Hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã được nâng lên so với con số 50 triệu đồng áp dụng 12 năm qua. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành dự thảo thông tư quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

bao hiem tien gui
Từ tháng 8/2017, người gửi tiền được trả bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi.

Theo quy định mới, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2017.

Đối tượng áp dụng bao gồm: người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Điều này có nghĩa, nếu tổ chức tín dụng bị phá sản, người gửi tiền sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.

Trước đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi này áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng (Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999), đến năm 2005 tăng lên 50 triệu đồng (Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 sửa đổi, bổ sung nghị định 89).

Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành dự thảo thông tư quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đưa ra phương án thanh lý tài sản sau đó mới có quyết định thu hồi giấy phép. Thời hạn thanh lý tài sản là 12 tháng kể từ sau khi các văn bản chấp thuận thu hồi giấy phép, văn bản chấp thuận phương án thanh lý có hiệu lực thi hành.

Trong thứ tự phân chia tài sản, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải trả các khoản phí, lệ phí cho Nhà nước, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH của người lao động và các khoản nợ thuế rồi mới tới các khoản chi trả cho người gửi tiền của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các khoản tiền gửi của người gửi tiền.

Theo Th.s Lê Việt Nga (div.gov.vn), chi trả tiền bảo hiểm xảy ra khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị chấm dứt hoạt động và bị mất khả năng thanh toán. Chi trả bảo hiểm tiền gửi là việc thực hiện cam kết thanh toán khoản tiền gửi được bảo hiểm, bao gồm tiền gốc và tiền lãi, theo một mức độ nhất định của tổ chức bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm, tuỳ thuộc vào quy định về hạn mức chi trả của mỗi hệ thống bảo hiểm tiền gửi.

Tính đến cuối tháng 5/2016, tổng tài sản của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 30.600 tỷ đồng, quỹ dự phòng nghiệp vụ chi trả là 23.200 tỷ đồng.

Theo một số liệu do đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề cập tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều ngày 9/6, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân gửi vào ngân hàng hiện là trên 6 triệu tỷ đồng – gấp 1,2 lần GDP.

Theo đó, nếu đối chiếu với tổng số dư tiền gửi vào các ngân hàng thì tổng tài sản của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là rất thấp.

Theo nhận định của TS Trần Du Lịch, việc gửi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mà khi các tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả, mà người gửi chỉ được chi trả tối đa 75 triệu đồng thì quá ít so với thu nhập bình quân đầu người hiện nay. Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay GDP tăng rất nhanh trong khi bảo hiểm tăng không tăng là không hợp lý, đề xuất phải nâng hạn mức chi trả lên mức 4 – 5 lần GDP bình quân (từ 150 triệu – 200 triệu đồng). (Báo Kinh tế Đô thị, )

Vĩnh Long

Xem thêm: