Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo tăng lãi suất tiền gửi từ ngày 26/10, trong đó cao nhất lên tới 9,3%/năm với kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, hình thức gửi tiền trực tuyến (online), lĩnh lãi vào cuối kỳ.

ngân hàng SCB tăng lãi suất lãi suất tăng
Ngân hàng SCB niêm yết mức lãi suất tiền gửi trực tuyến lên 9,3%/năm ở kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. (Ảnh chụp màn hình: scb.com.vn)

Cụ thể, ngân hàng SCB cho biết kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất đều được áp dụng mức trần của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 6%/năm.

Còn từ 6 –  dưới 12 tháng, mức lãi suất tăng vọt lên 8,7% – 8,95%/năm. Đáng chú ý, kỳ hạn từ 12 – 36 tháng, ngân hàng này đã niêm yết mức lãi suất từ 9,15% – 9,3%/năm, được cho là dẫn đầu trong nhóm các ngân hàng hiện nay về lãi suất tiền gửi.

Bên cạnh đó, ngân hàng TMCP Bản Việt cũng tăng lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn, với mức tăng từ 0,5 – 1,2%/năm tùy theo kỳ hạn gửi.

Trong đó, lãi suất các kỳ hạn ngắn đồng loạt lên mức trần 6%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 – 11 tháng từ mức 6,5 – 6,7%/năm lên 7,6 – 8,1%/năm.

Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất Bản Việt đưa ra đã tăng từ 7%/năm lên 8,2%/năm, thấp hơn ngân hàng SCB đến gần 1%/năm.

Trong khi đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn dài 18, 24, 36, 48 và 60 tháng, lãi suất tăng lên đến 8,9%/năm.

Nếu gửi tiền qua kênh trực tuyến, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, 8,6%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 8,9%/năm với kỳ hạn 24 tháng.

Tại ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động từ ngày 26/10. Theo đó, tất cả các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng có kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi trực tuyến đều được áp dụng mức lãi suất trần 6%/năm.

Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động đã tăng thêm khoảng 1%/năm. Mức lãi suất cao nhất đang được VPBank áp dụng đã lên tới 8,7% dành cho các khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng tại các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng. Với số tiền ít hơn, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8 – 8,6%.

Theo biểu lãi suất áp dụng từ hôm nay tại Ngân hàng Nam Á, lãi suất huy động cao nhất lên đến 8,4%/năm cho các kỳ hạn gửi từ 18 tháng trở lên, còn các kỳ hạn từ 12 – 17 tháng lãi suất huy động ở mức 8,2%/năm. Các kỳ hạn 6 và 9 tháng lãi suất ở mức 7,9%/năm.

Người đi vay thấp thỏm khi gánh nặng nợ sẽ gia tăng

Trước đó, nhiều người vay đã liên tục lo lắng khi lãi suất thời gian qua có dấu hiệu bị đẩy lên. Điều này không chỉ làm số nợ “phình to” của những khoản vay cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp đang vay sản xuất.

Chị Hoàng Oanh (TP.HCM) cho biết tại thời điểm giải ngân hợp đồng vay kỳ hạn 12 tháng của một ngân hàng (không nêu tên), lãi suất chỉ 8,5%/năm. Tuy nhiên, trong kỳ trả lãi mới đây, chị Oanh phải trả số tiền lãi và gốc cao do lãi suất cho vay tăng lên 10%/năm, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Trong khi đó, anh T.V.H. (Hà Nội) cho biết đã “choáng váng” khi nhận được thông báo lãi suất khoản vay mua nhà tăng lên 14%/năm, thay vì 8,5%/năm như hiện nay.

“Khoản vay của tôi đã hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi theo thị trường, nhưng tăng mạnh như vậy tôi không biết sẽ phải xoay xở như thế nào”, anh H. cho hay.

Đầu năm 2022, mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ 7 – 8%/năm nhưng nay đã là 9 – 10%/năm. Còn lãi suất cho vay mua nhà, mua xe… được thả nổi ở mức 12,5 – 14,5%/năm. Có ngân hàng tăng lên 15%/năm với lý do “nước lên thuyền lên”, cũng theo Tuổi Trẻ.

Không riêng các khoản cho vay cá nhân mua nhà, mua xe, ngay cả những khoản vay của doanh nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng chịu chung xu hướng tăng lãi suất này.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, gia công cơ khí tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết trong khoản vay mới nhất phát sinh với ngân hàng, lãi suất doanh nghiệp của ông phải chịu đã tăng gần 2%/năm so với các khoản vay từ cuối năm trước, theo Zing.

“Thay vì mức lãi suất hơn 8%/năm như trước, khoản vay mới nhất doanh nghiệp tôi nhận được từ ngân hàng quen có lãi suất gần 10%/năm. Trong khi mọi điều kiện của khoản vay, tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng vốn không hề thay đổi so với đầu năm”, vị Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ.

Tiến Minh