Trong giai đoạn 2013-2018, ngân sách nhà nước đã cấp 18.020 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương. Điều này được cho là do nhu cầu chi cho hoạt động bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông lớn và tăng cao qua các năm.

Quỹ bảo trì đường bộ, phí bảo trì đường bộ
Quỹ bảo trì đường bộ có nguồn thu chủ yếu từ các chủ phương tiện (xe ô tô). Mức thu phí do Bộ Tài chính ban hành, tùy thuộc theo loại phương tiện và được nộp theo chu kỳ đăng kiểm hoặc theo năm hoặc tháng theo quy định. Ảnh: Một người đàn ông địa phương đi xe qua con đường bị vỡ tại Lào Cai, ngày 7/9/2017 (Ảnh: Shutterstock)

Theo dự thảo báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết Quỹ Bảo trì đường bộ nằm trong nhóm các quỹ còn tồn tại bất cập về nguồn thu, cơ chế quản lý.

Cụ thể, Quỹ Bảo trì đường bộ có nguồn thu năm sau tăng cao hơn năm trước do số lượng phương tiện sử dụng tăng nhưng ngân sách nhà nước hàng năm vẫn phải cấp một phần cho các hoạt động của quỹ. Trong 6 năm (2013-2018), ngân sách nhà nước đã cấp tổng cộng 18.020 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, với lý do nhu cầu chi cho hoạt động bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông lớn và tăng cao qua các năm, mặc dù nguồn thu từ các phương tiện sử dụng đường bộ năm sau luôn lớn hơn năm trước.

Việc sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ còn nhiều bất cập. Nhiều nội dung công việc trong định mức bảo dưỡng thường xuyên cao hơn thực tế thực hiện, trái lại, có những nội dung công việc thường xuyên phát sinh nhưng lại không có trong định mức; một số điểm chưa đáp ứng Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.

Ngoài ra, quy định về đối tượng nộp phí chưa phù hợp với phương tiện có đăng ký biển số nhưng chỉ chạy trong nội bộ bến cảng, bến tàu, sân bay, khu khai thác khoáng sản, lâm sản, xe đào tạo, sát hạch lái xe…. Nguyên tắc phân chia phí sử dụng đường bộ cho các quỹ địa phương còn nhiều vấn đề dẫn đến một số tỉnh gặp khó khăn (như Bắc Kạn, Đắk Nông…) hàng năm chỉ được phân bổ ít kinh phí (3-4 tỷ đồng), ngược lại các TP lớn (Hà Nội, TP.HCM…) cân đối được ngân sách lại được phân bổ kinh phí lớn (400-500 tỷ đồng), chiếm khoảng 40% tổng kinh phí.

Về tình hình các Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương, một số địa phương lập kế hoạch chi không đầy đủ, không có nội dung chi bảo dưỡng thường xuyên (như Phú Thọ); lập kế hoạch không sát thực tế, một số nội dung phải điều chỉnh lại, như năm 2015, chi đảm bảo hoạt động của các trạm kiểm tra trọng tải lập 2,9 tỷ đồng, giảm xuống 0,86 tỷ đồng, thực hiện 0,64 tỷ đồng; chi hoạt động thường xuyên của Hội đồng quản lý quỹ lập 0,67 tỷ đồng, giảm xuống 90 triệu đồng, thực hiện 79 triệu đồng…

Một số địa phương như Hà Nội, Hà Giang, TP.HCM, Phú Thọ… không cấp bổ sung cho Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh mà giao cho Sở Giao thông vận tải, điều này là không đúng với Quy chế Quỹ Bảo trì đường bộ.

Phân bổ kinh phí cho các đơn vị sử dụng nhiều hơn số dư quỹ (Phú Thọ); giao nhiệm vụ kế hoạch không phù hợp với nhiệm vụ của quỹ (duy tu hệ thống đường bộ phục vụ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 với số tiền 15 tỷ đồng – Hà Nội); Dùng số dư quỹ cho vay không đúng quy định, hết thời hạn vay không thu hồi được số tiền 50 tỷ đồng (tỉnh Phú Thọ cho Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vay); Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Bình Dương chưa nộp ngân sách nhà nước số còn tồn 27,7 tỷ đồng…

Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) hiện là quỹ lớn nhất do người dân đóng góp, Nhà nước quản lý, với số tiền thu được hàng năm lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng thông tin hoạt động của quỹ không công khai.

Năm 2016, Tổng nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương là hơn 10.265 tỷ đồng; bao gồm nguồn thu từ chủ ô tô thu thông qua đăng kiểm 6.200 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng và nguồn chưa sử dụng năm 2015 gần 500 tỷ đồng.

Theo số liệu mới công bố của Văn phòng Quỹ Bảo trì Đường bộ Trung ương, tính hết quý 1/2019, chủ phương tiện nộp phí đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 25% dự toán thu cả năm 2019.

Vĩnh Long

Xem thêm: