Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 19/5-18/6/2022, các hãng hàng không đã khai thác 30.808 chuyến bay, tăng hơn 18% so với tháng 5/2022. Tuy vậy, số chuyến bay trễ giờ chiếm 18,2% trên tổng số chuyến.

shutterstock 553300456
Trong thời gian qua, nhiều chuyến bay bị trễ giờ cất cánh khiến hành khách chờ đợi lâu và gây ra nhiều bức xúc. (Ảnh: Thi / Shutterstock)

Cụ thể, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 25.206 chuyến (tỷ lệ đúng giờ đạt 81,8%), giảm 9,4% so với tháng 5/2022. Bên cạnh đó, số chuyến bay trễ giờ chiếm 18,2% với 5.602 chuyến bị chậm, tăng 15,9% so với cùng kỳ 2021 và tăng 9,4% so với tháng 5/2022.

Số chuyến bay bị hủy trong tháng 6 là 65 chuyến, chiếm 0,2% tổng số chuyến bay khai thác, tăng 4,8 điểm so với cùng kỳ 2021, giảm 0,1 điểm so với tháng 5-2022.

Theo thống kê của Cục Hàng không, nguyên nhân trễ chuyến chủ yếu là do máy bay về muộn (chiếm tỷ lệ 13,4%). Các lý do khác như: do hãng (chiếm 2,5%), trang thiết bị và dịch vụ tại sân bay (chiếm 1%), thời tiết (0,4%)…

Trong công văn gửi Cục Hàng không ngày 29/6, Bộ Giao thông vận tải nhận định tình trạng nhiều chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến có xu hướng tăng gây bức xúc cho hành khách, làm ảnh hưởng uy tín của ngành hàng không.

Để khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, đặc biệt trong dịp cao điểm hè, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Cục Hàng không giám sát, xác định các nguyên nhân gây chậm, hủy chuyến để có giải pháp xử lý kịp thời.

Theo Cục Hàng không, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách qua các sân bay của Việt Nam đạt 43,35 triệu lượt hành khách, tăng 65,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 nhưng giảm 24,6% so với 6 tháng đầu năm 2019. Lý do là khách nội địa tăng 10,5% nhưng khách quốc tế giảm 88,3%.

Tiến Minh