Con người vẫn đang tự bơi trong cái vòng giới hạn chính bản thân mình: phải làm việc nhiều hơn để được“mua sắm” nhiều tiện nghi. Các nhà kinh tế học nói rằng những người tiêu dùng ”tốt bụng” như thế đang đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Nhưng kết quả thì thế nào?

Bài phỏng vấn rất thú vị với nhà hoạt động từ thiện Ba Lan nổi tiếng – bà Janina Ochojska – cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khác về chủ nghĩa tiêu thụ: (Bài phỏng vấn do Grzegorz Sroczyński thực hiện, đăng trên Gazeta Wyborcza – nhật báo lớn nhất Ba Lan số ra ngày 08/08/2014.)

janina-ochojska
Bà Janina Ochojska

Bà có quan tâm đến kinh tế học không?

Tôi không hiểu được nó. Ví dụ, tôi không hiểu vòng quay của tiền. Cũng như không hiểu vì sao người ta lại vui mừng hớn hở khi tổng sản phẩm nội địa tăng trưởng. Ai đó cần cái du thuyền thứ tư hay cái nhà thứ năm để làm gì? Một người muốn có du thuyền, ừ thì tôi còn hiểu được đôi chút. Nhưng thêm cái thứ hai? Và dựa trên nguyên tắc nào mà việc mua sắm không ngừng lại thúc đẩy nền kinh tế?

5 năm trước chúng ta còn tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ dần dần kéo tất cả mọi người lên khỏi cái nghèo, cái đói sẽ biến mất, miễn là không cản trở quy luật vận hành của kinh tế học. Bà có bao giờ lạc quan như thế không?

Tôi không ảo tưởng như thế, vì tôi biết rõ thực kiện. Mỗi ngày có 26 nghìn người chết đói. Nhưng đồng thời thực phẩm lại được sản xuất mỗi ngày một nhiều hơn, chỉ để những người giàu có thể vứt đi nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Những người giàu – nghĩa là có cả chúng ta.

Hệ thống tự cắn cái đuôi của mình. Các tập đoàn toàn cầu phình ra quá mức và giành được quyền lực khủng khiếp. Điều này đặc biệt được thấy rõ ở châu Phi. Hãy xem phim về việc sản xuất đậu đũa ở Kenia, các khúc đậu phải dài bằng nhau, thẳng, nếu hơi cong là bị vứt đi, để chúng ta ở châu Âu có thể mua được đậu đẹp. Và rẻ, vì nhân công phải rẻ.

Thế giới sẽ ra sao?

Chúng ta khiến nó ra sao thì nó sẽ như thế. Cần phải đi đến một sự tự giới hạn ở những vùng giàu có hơn của thế giới.

Nghĩa là sẽ tốt hơn khi tình trạng của chúng ta – những người giàu ở châu Âu – tệ hơn?

Phải. Nhưng từ chối có thêm đôi giày thứ mười là tệ hơn sao?

Nếu chúng ta ngừng mua, thì toàn bộ guồng quay sẽ ngừng lại.

Đấy chính là điều tôi không hiểu nổi! Nó vận hành thế nào?

Người ta sống và tin rằng có một cái ti vi cũ là bi kịch. Nhưng khi có ti vi màn hình phẳng, thì tôi lại phải có cái phẳng hơn nữa, ngay sau đó lại là một cái to hơn nữa. Anh có nhà, thì phải có thêm cái nho nhỏ ở quê, còn nếu anh giàu hơn, thì ở Toscani hay Provence. Tuần tự như tiến. Tôi đọc báo thấy có cặp vợ chồng ly dị và cãi nhau vì 7 cái nhà! Và tôi bắt đầu tưởng tượng nếu mình có 7 cái nhà, tôi sẽ phải có cả máy bay để bay qua bay lại. Trong mỗi căn nhà tôi sẽ phải có cùng từng ấy thứ quần áo, tôi không thể muốn mặc quần đen mà nó lại đang nằm ở thành phố khác. Biết bao nhiêu đồ đạc!? Và tôi có thể sử dụng hết được không, để biện minh cho sự tồn tại của chúng? Nếu tôi muốn đọc cuốn sách “Ngọn núi phù thủy” yêu thích của mình mà đang ở Bahamas, tôi có nên cử máy bay bay về Kraków để lấy sách hay không?

Nhà kinh tế học sẽ nói nếu bà mua 7 bản “Ngọn núi phù thủy” cho mỗi căn nhà một bản, 7 cái quần đen và 7 cái tủ lạnh, thì bà thúc đẩy thị trường. Người nghèo ở Bangladesh cũng hưởng lợi từ đó, vì chắc họ sản xuất keo dán gáy sách.

Nhưng điều này dẫn đến sự ngớ ngẩn nực cười! Người ta làm ra các sản phẩm ngày một chóng hỏng hơn. Đồ vật là để phục vụ con người có cuộc sống thoải mái hơn, chắc có một cái tủ lạnh bền thì tốt hơn là cứ 5 năm lại phải thay một lần chứ. Các nhà kinh tế nói cả thế giới nhờ đó mà kiếm tiền. Nhưng nếu loài người chỉ tồn tại được nhờ việc sản xuất mỗi ngày một nhiều hơn thì cả ngành kinh tế học đang trồng cây chuối! Tăng sản xuất thực phẩm hoàn toàn không khiến cho số người bị đói giảm đi. Chúng ta đang vứt đi nhiều hơn!

>> Tại sao phải mua điện thoại mới? Điện thoại tốt nhất là cái bạn đang dùng

(Nguồn: stevecutts.com)
Tranh “Cái bắt tay cuối cùng” (Nguồn: stevecutts.com)

2 chiến lược kinh doanh đối lập

Mới đây thôi, Apple đã lại tiếp tục cho ra mắt loạt iPhone 7 và 7 Plus mới, kết quả nhiều làn sóng phản ứng của người dùng nổi lên vì sản phẩm mới không có nhiều tính năng nổi bật so với phiên bản trước.

Apple hậu Steve Jobs đã không còn là chính mình nữa, những đặc trưng vốn có tạo nên thành công của thương hiệu “quả táo khuyết” đã bị xâm phạm một cách nghiêm trọng; tập trung vào sự độc đáo, hoàn hảo, đẳng cấp được thay thế bằng sự đại trà hóa sản phẩm, hời hợt, và thiếu “cá tính”. Điều này được thể hiện rõ trong các phản hồi của người dùng Iphone 7 ở nước ngoài như là: “thiết kế gần như chẳng thay đổi gì”, “bình mới rượu cũ”, ”đỉnh điểm của sự chịu đựng”…

iphone-7

Khách hàng có thể sẽ phải tiếp tục chi tiền để sử dụng Iphone 7, họ phải chấp nhận vì tạm thời Apple vẫn đang ở thế độc tôn, nhưng đã có một vết rạn nứt. Ai dám chắc rằng trong lòng khách hàng đã không hướng kỳ vọng về một tiêu chuẩn mới xứng đáng hơn?!

Điều đó đã làm rõ thêm ý tưởng của bà Janina Ochojska trong bài phỏng vấn trên. Nền kinh tế chạy theo sự sản xuất đại trà chưa bao giờ là điểm tựa vững chắc cho thành công.

Trái ngược với việc Apple đang tự bắn vào chân mình, đang tự biến mình thành “khuyết điểm thật sự” trong mắt các “Thượng Đế”, túi xách Hermes của Pháp lại chú trọng vào sự trau dồi tỉ mỉ, thiết kế tinh xảo với tiêu chuẩn khắt khe. Hermes trở thành người làm chủ trò chơi đúng nghĩa: họ chỉ sản xuất khoảng 15 – 20 chiếc túi mỗi tháng và người mua phải đặt hàng 2- 5 năm mới có thể sở hữu một chiếc túi chính hiệu. Sản phẩm có giá cao chót vót vì là hàng “có một không hai”, được làm một cách thủ công ở mọi công đoạn, bởi những người thợ có tay nghề bậc nhất, không có cái nào giống nhau 100%, được sản xuất giới hạn.

tai sao tui hermes dat 1

>> Vì sao túi Hermes có giá đắt nhất thế giới?

Đã đến lúc chúng ta dừng lại và đưa ra lựa chọn cho chính mình: tiếp tục tham gia vào cuộc đua đầy khốc liệt hay là lùi lại và quan sát cuộc chơi với sự tỉnh táo cần thiết, đặt hết tâm huyết, sự tận tụy và những gì tinh túy nhất vào một sản phẩm và lặp lại không ngừng nghỉ triết lý đó? Thành công không phải là một điều gì đó có thể đảm bảo và chắc chắn được, nhưng có một nhà uyên bác Phương Đông đã từng nói rằng: “Bạn sẽ nhận lại chính những gì mình cho đi”.

Chân Hồ