Trong vụ kiện tranh chấp thương mại giữa Vinasun và Grabtaxi, Vinasun khởi kiện hãng taxi công nghệ đã thực hiện nhiều hành vi thương mại trái pháp luật, gây tổn hại trực tiếp tới hãng này. Phiên xét xử sơ thẩm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/2 tới.

vinasun
Vinasun tố cáo Grabtaxi gây rối loạn hoạt động của các doanh nghiệp taxi. (Ảnh: J. Nguyễn)

TAND TP.HCM vừa có Quyết định số 301/2018/QĐST-KDTM đưa ra xét xử sơ thẩm việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grabtaxi Việt Nam.

Thời gian diễn ra phiên tòa dự kiến vào tuần sau (6/2) tại TAND TP.HCM. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Lê Công Toại. Quyết định trên của Tòa án TP.HCM được đưa ra sau phiên hòa giải bất thành diễn ra vào ngày 17/1 vừa qua.

Phía Vinasun cho rằng Grabtaxi chỉ được cấp phép để cung cấp phần mềm môi giới hành khách và các xe hợp đồng, nhưng trên thực tế họ đã vận hành như một công ty vận tải với đầy đủ chức năng tuyển mộ tài xế, định giá, điều hướng lái xe, thưởng phạt các tài xế… Nhờ vậy, Grabtaxi đã phát triển được một đội xe hùng hậu để gia nhập thị trường vận tải taxi mà không phải xin cấp phép, không nộp thuế, phí theo luật định.

Đại diện của Vinasun cho biết việc kiện đối thủ dựa trên quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh. Hãng taxi truyền thống cho họ hay có đầy đủ bằng chứng cho thấy Grabtaxi vi phạm cạnh tranh thương mại bằng hình thức định giá để mở rộng thị trường. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 3 năm (2014-2016), Grabtaxi báo lỗ 938 tỷ đồng, trong đó 38% là chi phí tiếp thị, quảng cáo. Grabtaxi cũng chạy các chương trình khuyến mại với tổng số ngày khuyến mại hơn 90 ngày một năm, vượt quá hạn mức 40 ngày/năm như quy định tại Nghị định 37/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xúc tiến thương mại.

Ngoài ra, Vinasun cũng tố cáo Grabtaxi gây rối loạn hoạt động của các doanh nghiệp taxi bằng cách thực hiện nhiều chiêu thức thu hút, tuyển mộ lái xe sử dụng phần mềm Grab mà không cần thông qua doanh nghiệp.

Phản bác lại các yêu cầu khởi kiện của Vinasun, phía Grabtaxi cho rằng hồ sơ khởi kiện của Vinasun chưa có đủ căn cứ chứng minh thiệt hại trực tiếp. Các yêu cầu khởi kiện này thuộc phạm vi giải quyết của Bộ Giao thông Vận tải – cơ quan cấp phép cho Grabtaxi thực hiện đề án thí điểm số 24 về vận tải hợp đồng điện tử; thuộc phạm vi của Bộ Công Thương – cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, chứ không thuộc thẩm quyền thụ lý của Tòa án. Đồng thời, trong trường hợp Tòa án thụ lý, Grabtaxi cũng yêu cầu triệu tập thêm Công ty TNHH Uber Việt Nam và International Holdings BV ra tòa cùng xét xử.

Phiên tòa tới đây được xem có tính cột mốc, định hình căn cứ pháp lý cho hoạt động kinh doanh của Uber, Grab tại Việt Nam.

Theo số liệu thuế của Công ty TNHH Grabtaxi năm 2016, công ty này đạt doanh thu 192 tỷ đồng, báo lỗ 443 tỷ đồng. Với hoạt động kinh doanh lỗ, Grab không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng cục thuế cho biết trong ba năm kinh doanh tại Việt Nam (từ tháng 2/2014 đến 6/2017), Grab có doanh thu là 1.755 tỷ đồng và số thuế đã nộp của Grab là 9,5 tỷ đồng, chiếm 0,541% phần doanh thu ròng của Grabtaxi.

Nguyên Hương

Xem thêm: