Nhà chí sỹ yêu nước Lương Văn Can đã viết hai cuốn sách bàn về chuyện kinh doanh của nước Việt, đó là cuốn “Thương học phương châm” bàn về cách buôn bán, và “Kim cổ cách ngôn” bàn về đạo đức kinh doanh. Đã 89 năm kể từ ngày cụ Cử Can qua đời, nhưng hai cuốn sách vẫn còn nguyên tính thời sự.

Trong cuốn “Thương học phương châm”, cụ Cử Can bàn rằng: “Tục ngữ có câu: ‘Phi thương bất phú’, các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc, thế thì sự buôn bán cũng không nên câu nệ như xưa mà chẳng lưu tâm nghiên cứu. Nhưng vì nước ta ngày trước chỉ chí tại thi đỗ để ra làm quan, ngày nay học tây chỉ chí tại tốt nghiệp để ra làm việc, ít người chí làm thực nghiệp”.

Ngày doanh nhân nói lại 10 hạn chế của thương giới Việt
Một cảnh buôn bán thời xưa (Ảnh minh họa: Theo Reds.vn)

Ngày nay, mặc dù thương giới Việt đã qua nhiều phen lăn lộn, cũng học được nhiều bài học lớn, nhưng những hạn chế của chúng ta thì vẫn còn đó. Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, xin được điểm lại nguyên văn 10 hạn chế của thương giới Việt trong cuốn “Thương học phương châm”:

1. Người mình KHÔNG CÓ THƯƠNG PHẨM, cái tài liệu của nhà buôn bán cốt tại công nghệ, công nghệ của người mình xưởng thợ không dựng, máy móc không có, sách vở nghề làm thợ cũng không ai làm, các thợ thuyền chỉ biết chuyên theo nghề cũ, không mấy ai suy nghĩ kiểu mới kiểu lạ, làm nghề gì cũng chế tạo bằng thủ công, cho nên đồ gì cũng khổ dũ bạc nhược, khi dụng vật liệu tức là cái tài liệu của nghề buôn bán, tài liệu đã kém thời buôn bán còn mạnh được sao.

2. Hai rằng KHÔNG CÓ THƯƠNG HỘI. Người các nước văn minh buôn bán đều có thương hội, thương hội càng đông thời buôn bán càng to, nên mới gây dựng được cửa hàng vốn liếng đến hàng ức hàng triệu, còn các nhà thương mại ta buổi này cũng có số ít người muốn sốt sắng lập thương hội, nhưng cách thức lập thương hội chưa thạo, công việc xếp đặt trong hội chưa sành, kẻ gian quyết mượn tiếng lập hội làm kế vơ vét người ngay thật vì việc vào hội hóa phải thiệt riêng, thành ra thương hội chưa lập đã vỡ, cổ phần chưa họp đã tan, có khi sinh ra thù oán kiện tụng lôi thôi nữa, như thế còn gọi là thương hội sao được.

3. Ba là KHÔNG CÓ TIN THỰC. Lòng tin thực tức là cái cốt yếu của nhà buôn, đã không có lòng tin thực thời một người mắc lừa một trăm người không tin, một lần được lợi, muôn phần chịu thiệt, cái ám muội của nhà buôn ta không thể nào tả hết được, chỉ xem ngạn ngữ ta rằng “Thực thà cũng kể lái buôn” thời đủ biết đức tính của nhà buôn ta vậy. Kìa như hàng Tây với hàng Tàu vật gì cũng mã giá nhất định, hoặc chỉ nói một lời mà người mua không phải mặc cả nên mua bán không phải chào mời khó nhọc. Đến như hàng ta thì nói lên mười, mà bán xuống sáu, nói rất cao mà bán rất hạ, khách chưa đến cửa đã vội mời vào, khách ra khỏi cửa thì mới gọi bán, chẳng qua chỉ muốn lừa lọc những kẻ quê mua khờ dại để đánh lừa lấy đôi chút lợi nhỏ mà thôi, ấy chỉ bởi cái lòng không tin thực ấy mà làm trở lực cho hàng hóa ta không thể nào mạnh bằng hàng các nước được.

Xem thêm: Thép Việt – Nguy cơ bị phạt nặng nếu đúng là gian lận thương mại

4. Bốn rằng KHÔNG CÓ KIÊN TÂM, người các nước văn minh đã chuyên làm nghề gì thời sống chết cũng chăm vào cái mục đích ấy, làm cho nghề được tấn tới mãi lên, dẫu gặp việc ngang trở cũng không quản, thấy việc gian nan cũng không từ, các nhà buôn ta trừ một số ít nhà phú thương không kể, còn thời phần nhiều là đầu năm đi buôn, cuối năm đã đi làm thợ, năm nay đi buôn không lợi, sang năm lại xoay nghề khác, hoặc làm nghề gì không lợi mới lại tìm cách đi buôn, chỉ hấp tấp làm cái lợi nhãn tiền mà không kiên tâm cố chí, nên việc buôn bán không có vững vàng, không có nề nếp vậy.

5. Năm rằng KHÔNG CÓ NGHỊ LỰC. Người các nước buôn bán thường vượt bể nọ sang bể kia, từ nước này qua nước khác, người nước mình buôn bán tự miền xuôi lên miền ngược, đã lo những nước độc ma thiêng, từ miền bắc xuống miền nam đã gọi là chân giời góc bể, chí khí đã nhút nhát, tư tưởng lại hẹp hòi. Nên buôn bán dẫu có gặp vận, gặp thời, mà kết quả cũng chỉ đủ thân kế gia kế mà thôi, không phát đạt bằng nhà buôn các nước được.

Chợ Đồng Xuân, Hà Nội xưa (Ảnh minh họa: Theo Reds.vn)
Chợ Đồng Xuân, Hà Nội xưa (Ảnh minh họa: Theo Reds.vn)

6. Sáu là KHÔNG BIẾT TRỌNG NGHỀ. Sách Tây có câu rằng “không có nghề gì là không quý”. Sách Nho có câu rằng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, suy thế thì ai làm nghề gì phải lấy nghề ấy làm quý mới khá, nhưng cái thông bịnh của người mình thời ai cũng lấy hàm cao quan lớn làm vinh mà ít ai biết buôn bán làm trọng, suy ngay chính những nhà buôn lúc trước còn chịu khó ăn nhịn để dành hết sức làm lụng, đến lúc đã được lưng vốn khá to thời đã vội vứt của huyết hãn ra hàng nghìn hàng vạn, luồn cửa này vào cửa khác, tấp tênh mua chuộc lấy tiếng phẩm nọ hàm kia, nghề đã không trọng chỉ trọng hư danh thời tư bản thực sự có sút đi mà khó mong tấn tới lên được.

7. Bảy là KHÔNG CÓ THƯƠNG HỌC. Các nước văn minh đều có tràng thương học, có khảo thí thương mãi, để đào tạo cho các học sinh có đủ tư cách làm nghề buôn, bởi thế nên người buôn bán có kiến thức, cách buôn bán được khôn ngoan. Nước ta ngày nay, dẫu nhà nước có đặt trường dạy buôn, nhưng nói cho phải thời học sinh vào đó học mà cố ý sau này ra buôn bán thời ít, mà vào đó học để tìm lấy chân vào làm việc các sở thời nhiều, còn những nhà buôn cũ thời nào có ai đã từng vào tràng thương học xem sách dậy buôn đâu, nên có nhiều người chỉ biết gồng nặng gánh nhẹ, lên ngược xuống xuôi thôi, mà chữ nghĩa không biết, tính toán không thông. Thời làm thế nào nhớ được hàng giao dịch nơi này sang nơi khác, hàng nghìn hàng vạn, làm thế nào cho hàng hóa tiêu thụ được rộng. Làm thế nào hiểu được luật lệ của các nhà buôn, bởi thế nên không tấn bộ được.

8. Tám rằng KÉM ĐƯỜNG GIAO THIỆP. Các nhà buôn cần phải biết cách giao thiệp, vì giao thiệp là cái môi giới của đường buôn bán, giao thiệp rộng rãi, quen biết nhiều nơi, thời buôn bán mới mạnh. Xem như nhiều nước đều có học tiếng nước Anh là tiếng nói vạn quốc thông dụng để đi đến nước nào nói năng cũng được tiện lợi và in những sách chiêu hàng phân phát cho nhiều người yêu dùng, khôn ngoan biết là chừng nào. Nhà buôn mình phần nhiều là kiến văn không rộng, ý tứ không sành, giao thiệp vụng về, nói năng kém cỏi, làm gì biết được cách giao thiệp ấy. Giao thiệp đã vụng thời buôn bán được sao.

9. Chín rằng KHÔNG BIẾT TIẾT KIỆM. Hai chữ tiết kiệm thực là một cái yếu kiện của nhà buôn. Cận lai nhà buôn ta cũng theo cái phong trào xa xỉ càng ngày càng mạnh mà gây nên cái độc căn bản không vững bền. Nguyên vì các nhà buôn ta đại đa số là tư bản bạc nhược đã bó buộc vào trong tệ tục, ăn mặc không xa hoa lấy làm hổ thẹn, nhà cửa không lộng lẫy không dễ mượn vay, làm ít tiêu nhiều, dư dật được ít nào đều bị cái phong trào xa xỉ nó cuốn cuộn cả đi, bởi thế nên nhiều người tháng sau cáo cùng mà tháng trước vẫn diện ô tô song mã; lắm nhà ngày mai tịch ký mà ngày nay vẫn bày châu báu ngọc ngà, thật là chỉ choáng vẻ bề ngoài mà xấu bề trong, tốt bộ vỏ mà không có ruột, trách nào vốn liếng mỗi ngày chẳng kém đi, sinh kế ngày càng quẫn bách.

Xem thêm: Kỳ lạ chuyện quy hoạch: Năm 2020, mỗi ngày một người Việt sẽ có một lon bia, một ly rượu!

10. Mười rằng KHINH NỘI HÓA. Người các nước trọng dùng của thổ sản, đồ gì cũng làm lấy mà dùng, lại thi nhau làm đồ mới đồ lạ để cho mua bán tiêu thụ càng ngày càng rộng. Người nước ta chỉ quý ngoại hóa, khinh nội hóa, thấy người ngoài có đồ mới lạ, không biết bảo nhau chế tạo hơn lên để mà chấn hưng thương nghiệp, cũng có thứ nguyên là của mình làm ra mà người ngoài thêu mấy chữ hiệu của họ vào, thời người mình đua nhau mà buôn, đua nhau mà mua, dẫu bao nhiêu tiền cũng không tiếc, khiến cho lợi quyền mất cả ra ngoài, trách nào nghề buôn mình chả kém các nước.

Mười cái điều nhược điểm đã nói lên như trên này chính là cái bịnh rất nhớn làm cho các nhà buôn ta bó buộc vào đất eo hẹp mà không có đường mở mang, sa hãm vào cái cảnh thua sút mà không có cơ phát đạt được, những điều đó từ phong tục theo nhau như thế mà sinh ra, nhưng thực từ các nhà buôn ta kiến thức không giỏi, quyết đoán không rành, nên không thoát khỏi được, nếu ta không biết những điều nhược điểm đó như cái bịnh độc hại phải tìm phương mà cứu chữa, như con đường trở ngạnh phải tìm cách mà khai thông, thời nghề buôn mình làm thế nào mà cạnh tranh với người được.

Quang Minh tổng hợp