Sau 3 tháng thực hiện, chỉ 28% gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được giải ngân so với dự tính ban đầu, mới đây Bộ Lao động – thương binh và xã hội đề xuất Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục gói hỗ trợ lần 2 trị giá 18.600 tỷ đồng, dự kiến dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, lao động tại nông thôn bị tác động bởi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). 

grab thoi covid 19
Một người chạy xe Grab dưới mưa trước siêu thị Emart, TP.HCM, ngày 8/8/2020. Hàng triệu lao động tự do tìm cách xoay sở kiếm sống trong thời điểm dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). (Ảnh: CravenA/Shutterstock)

Vay sản xuất tối đa 2 tỷ đồng, 2 triệu đồng/tháng cho NLĐ mất việc phải nuôi con 

Theo đề xuất, 18.600 tỷ đồng trong gói hỗ trợ lần 2 gồm 2 khoản. Khoản thứ nhất ước tính 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất, duy trì và mở rộng việc làm.

Đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất – kinh doanh), người lao động tại nông thôn.

Mức vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất – kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới.

Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo).

Khoản thứ hai ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn.

Đối tượng thu hưởng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm hoặc bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.

Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, áp dụng từ tháng 9-12/2020.

Hàng triệu người lao động đã bị bỏ lọt, gói hỗ trợ lần 2 liệu có giải quyết được sai lầm? 

Cũng trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết tình hình về gói hỗ trợ thứ nhất (gói 62.000 tỷ đồng). Bộ này cho biết tính đến hết tháng 7/2020, gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ tổng cộng hơn 17.500 tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước trung ương đã giải ngân gần 12.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13.000 hộ kinh doanh.

Đáng lưu ý, trong 12 triệu người nhận hỗ trợ, có hơn 11,5 triệu người gồm người có công với cách mạng, người nhận bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo (nhận tổng cộng hơn 11,5 tỷ đồng) và chỉ hơn 402.000 người lao động (nhận tổng cộng hơn 403 tỷ đồng).

Theo đó, cả tổng số người nhận nói chung và số người lao động bị ảnh hưởng được hỗ trợ nói riêng đều rất thấp so với thực tế.

Vào thời điểm được thông qua (24/4/2020), gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng này được dự kiến sẽ hỗ trợ cho hơn 20 triệu người, gồm người có công với cách mạng, người nhận bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo, người lao động mất việc, tạm dừng việc, hộ kinh doanh cá thể; doanh nghiệp có lao động ngừng việc (gói tín dụng 16.000 tỷ để trả lương ngừng việc cho người lao động).

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố ngày 10/7, tính đến hết tháng 6, tổng cộng có tới gần 8 triệu người mất việc làm, 30 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Hai tháng sau khi triển khai gói hỗ trợ, cuối tháng 6, nhiều doanh nghiệp cho hay vẫn chưa tiếp cận được các khoản vay do điều kiện quá khắt khe (doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc 30 người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên, doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết 30/6/2020, doanh nghiệp phải chứng minh không có tiền để trả lương ngừng việc, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đến hết năm 2019).

Nhiều doanh nghiệp cho rằng gói vay bị bó buộc chặt về mục đích sử dụng (chỉ để trả lương cho người ngừng việc và tiền giải ngân trực tiếp đến người ngừng việc), ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đồng thời thừa nhận khảo sát cho thấy doanh nghiệp nếu quá khó khăn về tài chính sẽ cho lao động nghỉ việc chứ không vay để trả lương ngừng việc.

Ngoài nghẽn về chính sách, gói 62.000 tỷ còn vấp phải vô số sự vụ tiêu cực như người nhà của lãnh đạo xã, thôn dù giàu có vẫn được đưa vào danh sách hộ cận nghèo, người dân nhận hỗ trợ bị xin tiền “uống nước”, người dân phải điền vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận…

Gói hỗ trợ lần 2 có đạt hiệu quả hay không, còn phải xem cách khắc phục của chính quyền trước tình trạng chính sách thì bất cập, thực hiện thì tiêu cực như đợt triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ bộc lộ. Một thực tế là tình trạng bất ổn kinh doanh, bất ổn việc làm sẽ còn tiếp tục leo thang và chưa thể kết thúc sớm trong ngày một ngày hai.

“Chưa bao giờ các dự báo về kinh tế lại khó như bây giờ”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói hôm 3/8, trước đợt tái bùng phát dịch (tính từ ngày 25/7). Ông Phương cho biết du lịch lữ hành và vận tải vừa hồi phục đã bị tác động tức thì (dù trong Quý 2/2020 khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã dừng hoạt động, 137 doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép), còn kế hoạch mở cửa lại với một số nền kinh tế phải lùi lại dù đã định ngày.

VOV ngày 14/8 dẫn tin Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) dự báo số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 100.000 người mỗi tháng. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.

Nguyễn Minh

Xem thêm: