Ban Quản lý cửa khẩu ở Lạng Sơn cho biết phía Trung Quốc thông báo nghỉ Tết Nguyên Đán 2023 từ ngày 21/1 – 28/1/2023 tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam và Chi Ma. Tuy vậy, có cửa khẩu nhận thông quan cho hàng hóa có đăng ký trước.

cua khau lang son cua khau tan thanh
Các cửa khẩu ở Lạng Sơn tạm dừng thông quan nghỉ Tết Nguyên Đán từ ngày 21/1 – 28/1/2023. (Ảnh minh họa: baolangson.vn)

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán 2023 của phía Trung Quốc bắt đầu từ ngày 21/1 đến ngày 28/1/2023. Do vậy, các cửa khẩu sẽ dừng thông quan gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam và Chi Ma.

Cụ thể, tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Cốc Nam sẽ tạm dừng các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 3 ngày để nghỉ Tết (ngày 21 – 23/1). Từ ngày 24 – 27/1, các cửa khẩu này sẽ thông quan với hàng có đăng ký trước.

Riêng cửa khẩu Chi Ma, phía Trung Quốc sẽ nghỉ Tết từ ngày 21/1 – 27/1, nhưng vẫn thông quan hàng đã có đăng ký trước.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới sẽ khôi phục thông quan bình thường trở lại từ ngày 28/1.

Theo báo Công Thương, Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết đã chỉ thị các chi cục hải quan trực thuộc phân công sắp xếp nhân sự trực tại các cửa khẩu, điểm thông quan trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán 2023 (từ ngày 20/1 đến hết ngày 28/1/2023).

Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký kế hoạch thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa trong dịp Tết.

Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã thông báo mở cửa giao thương với các cửa khẩu biên giới với Việt Nam từ hôm 8/1, bất chấp dịch bệnh bùng phát dữ dội ở Đại lục khiến hàng nghìn người chết mỗi ngày.

Theo ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư VinaCapital: “Tác động quan trọng nhất với Việt Nam là lượng khách du lịch có khả năng trở lại bình thường trong nửa cuối năm 2023”, báo Vnexpress đưa tin.

Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright dự báo việc Trung Quốc mở cửa sẽ tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam từ giữa năm sau.

Trung Quốc lâu nay vẫn thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của 2  nước đạt gần 178 tỷ USD, trong đó xuất khẩu trên 119,3 tỷ USD tăng 8%, còn nhập khẩu khoảng 58,4 tỷ USD tăng 4,5% so với 2021.

Dịch bệnh bùng phát, biến thể mới đang làm chết hàng nghìn người Trung Quốc mỗi ngày?

Vào hôm 10/1, phóng viên Epoch Times đã phỏng vấn chuyên gia virus Diêm Lệ Mộng (Yan Limeng) – cựu nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Hồng Kông.

Bà Diêm Lệ Mộng có lẽ được biết đến là một trong những chuyên gia y tế đầu tiên bên ngoài Vũ Hán đã tiếp xúc và nghiên cứu về COVID-19. Bà đã trốn khỏi Hồng Kông vào tháng 4/2020 và bắt đầu kêu gọi cộng đồng quốc tế truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ về COVID-19, bà cáo buộc rằng COVID-19 là vũ khí sinh hóa do ĐCSTQ phát triển.

Bên cạnh đó, chính quyền ĐCSTQ hiện đang che giấu tình hình thực tế dịch bệnh, họ tự tuyên bố loại biến thể nào phổ biến thì chúng ta biết vậy.  Bà Mộng cho biết theo thông tin nội bộ nhận được, gồm cả phản hồi của nhiều người, nhà chức trách Trung Quốc hiện không cho phép các bệnh viện thực hiện PCR axit nucleic này, nên không có cách nào biết COVID-19 ở Trung Quốc đang phổ biến loại biến thể nào.

Một báo cáo nghiên cứu mới của Anh cho thấy, trong thời gian Tết Nguyên đán này, mỗi ngày có thể có 36.000 người chết vì COVID-19 tại Trung Quốc.

Tết Nguyên Đán năm 2023 sẽ bắt đầu vào ngày 22 tháng Giêng, thời điểm trước sau dịp này hàng năm Trung Quốc phải đối mặt giai đoạn khắc nghiệt về lưu lượng giao thông (xuân vận).

Theo ước tính chính thức của nhà chức trách ĐCSTQ, tổng lưu lượng hành khách trước Tết năm nay sẽ đạt 2,1 tỷ người, tăng gần 100% so với năm ngoái; cơ quan chức năng cũng chỉ ra đỉnh điểm dòng người trước Tết năm nay trùng với đỉnh điểm dịch bệnh, là đợt giao thông dịp Tết nhạy cảm nhất trong những năm gần đây do COVID-19.

Đức Minh