Theo Bộ Tài chính, tính đến hết quý 2/2018, số dư của Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) khoảng hơn 3.812 tỷ đồng và liên tục tăng cao trong những năm gần đây, mặc dù vậy, giá xăng cũng lại không ngừng tăng theo dốc thẳng đứng.

gia xang
Nghịch lý quỹ bình ổn dư hàng ngàn tỷ đồng, giá xăng vẫn cứ tăng đều. (Ảnh: Gia Bảo)

Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, số dư Quỹ BOG luôn duy trì ở mức vài ngàn tỷ đồng, cao nhất lên đến 5.105 tỷ đồng vào cuối năm 2017. Đây là những số tiền mà người tiêu dùng phải chi trả thêm trong mỗi lít xăng để gây dựng Quỹ bình ổn giá.

Mặc dù vậy, dường như Quỹ BOG chỉ dừng lại ở cái mác “bình ổn giá”, trong khi chức năng chính của quỹ vẫn chưa được phát huy hiệu quả, thể hiện qua việc giá xăng không ngừng tăng liên tục trong thời gian qua.

Gần đây nhất, giá xăng vừa tăng thêm 300 đồng mỗi lít vào kỳ điều chỉnh ngày 6/9, đánh dấu kỳ tăng giá xăng thứ 6 và chỉ có 2 lần giảm giá trong năm 2018.

Tính lũy kế từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tổng cộng 2.190 đồng mỗi lít (+11%), và tăng tới 4.710 đồng/lít (+28%) kể từ mức đáy gần nhất vào hồi 5/7/2017.

gia xang tang
(Nguồn số liệu: Tổng hợp từ Liên Bộ Công thương – Tài chính)

Trong khi đó, chức năng chính của Quỹ BOG được lập nên – với tiền do người dân đóng 300 đồng trên mỗi lít xăng dầu – là để giảm thiểu biến động giá, thì quỹ lại chưa phát huy được hiệu quả, số dư luôn ở mức cao và trở thành một nguồn thu nhập hợp lệ cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Chỉ tính riêng trong quý 2/2018, lãi phát sinh trên số dư của Quỹ BOG là hơn 5,3 tỷ đồng, theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính).

Lý do được Liên Bộ Công thương – Tài chính đưa ra cho việc tăng giá xăng gần đây là do giá dầu thế giới tăng mạnh. Mặc dù vậy, khi nhìn vào giá xăng thế giới trong 3 tháng qua, thì giá xăng hầu như lại có xu hướng giảm, trong khi đi ngang trong một tháng trở lại đây.

gia xang dau the gioi
Diễn biến giá xăng dầu thế giới từ ngày 9/7 – 3/9/2018. (Nguồn: Globalpetrolprices.com

Điều này cho thấy giá xăng của thế giới không bị ảnh hưởng bởi giá dầu nguyên liệu do làm chủ được công nghệ lọc hóa dầu và sản xuất xăng thành phẩm. Trong khi ở Việt Nam thì trái lại, chủ yếu xuất khẩu dầu thô với giá rẻ và nhập khẩu thành phẩm với giá cao, nên giá xăng tại Việt Nam rất phụ thuộc vào giá dầu nguyên liệu.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong tám tháng năm 2018 đã đạt 5,7 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, để ổn định được giá xăng trong nước, Việt Nam cần chủ động đầu tư vào công nghệ chế biến thay vì cứ xuất khẩu nguyên liệu thô và dùng tiền người dân để trích lập Quỹ bình ổn giá.

Và với một cách thức hoạt động thiếu minh bạch của Quỹ BOG như hiện tại, khi người dân không được biết đầy đủ về tình hình sử dụng và chi tiêu của quỹ, thì việc trích lập bao nhiêu cũng không đủ để ổn định giá xăng, và tiền thì cứ chảy vào bảng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Bởi lý do đó mà vấn đề xóa bỏ Quỹ BOG và điều hành cơ chế giá xăng linh hoạt theo giá thị trường đã được rất nhiều chuyên gia đề xuất, nhưng cho đến nay cơ chế điều hành giá xăng dầu vẫn cứ “dậm chân tại chỗ” và người tiêu dùng mặc dù chi trả cho quỹ hàng ngày trên mỗi lít xăng tiêu thụ, nhưng giá xăng lại vẫn không ngừng tăng theo dốc thẳng đứng. Lũy kế đã tăng gần 5.000 đồng/lít chỉ trong hơn một năm qua.

Chân Hồ

Xem thêm: