Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người nuôi heo “treo chuồng” hoặc giảm số lượng nuôi vì không có lợi nhuận, thậm chí thấy lỗ trước mắt. Mặt hàng này đã có đến khoảng 15 lần tăng giá từ năm 2020 đến nay, riêng trong năm 2022 đã có 5 lần tăng liên tục.

thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá người chăn nuôi gặp khó treo chuồng thức ăn chăn nuôi tăng cao baocantho.com .vn
Người dân khốn đốn vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục leo thang, nếu tiếp tục tái đàn với giá đầu ra hiện nay người chăn nuôi nhiều rủi ro thua lỗ. (Ảnh: baocantho.com.vn)

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục điều chỉnh tăng giá bán với lý do chi phí nguyên vật liệu tăng, phí vận tải, xăng dầu tăng,… Lần gần đây vào tháng 5/2022, hàng loạt công ty này đã tăng giá từ 300-500 đồng/kg tùy loại cám.

Nhiều người chăn nuôi và các đại lý phân phối cho hay từ năm 2020 đến nay đã có khoảng 15 lần tăng giá như vậy. Việc này khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn, theo báo Tuổi Trẻ.

Công ty MNS Feed cho biết đã tăng từ 300-500 đồng/kg thức ăn chăn nuôi (cám) kể từ ngày 1/5, áp dụng cho khu vực miền Nam. Tương tự, Công ty De Heus cho biết đã cho tăng 300-400 đồng/kg đối với hầu hết loại cám kể từ đầu tháng 5, áp dụng từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Hàng loạt công ty khác cũng gửi thông báo đến đại lý phân phối quyết định áp dụng mức giá mới cho hầu hết sản phẩm cám kể từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 với mức tăng 300-400 đồng/kg như: Emivest Feedmill, C.P Việt Nam, Greenfeed Việt Nam, CJ Vina Agri,…

Sau khi điều chỉnh tăng giá bán, mức giá được các đại lý phân phối cho người chăn nuôi đối với thức ăn dành cho heo con là 490.000-510.000 đồng/bao 25 kg; loại dành cho heo thịt có giá 360.000-400.000 đồng/bao 25 kg và loại dành cho heo nái là hơn 300.000 đồng/bao 25 kg.

Còn giá thức ăn cho gà từ 350.000-370.000 đồng/bao (25kg). Bên cạnh đó, chi phí vật tư thuốc, vệ sinh chuồng trại đều tăng.

Báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin, ông Tạ Hoàng Thạch, một chủ trang trại chăn nuôi heo ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết để nuôi một con heo đến khi xuất chuồng cần khoảng 10-12 bao thức ăn chăn nuôi loại 25 kg.

Với giá thức ăn cho heo thịt rơi vào khoảng 360.000-400.000 đồng/bao 25 kg, tức riêng loại thức ăn cho heo thịt, để nuôi một con heo đến khi xuất chuồng cần khoảng 4,32-4,8 triệu đồng. Nếu cộng với một bao dành cho heo con là 500.000 đồng, tính riêng chi phí thức ăn, để nuôi một con heo đến khi xuất chuồng mất khoảng 4,8-5,3 triệu đồng.

Chưa kể tính cả chi phí con giống, thuốc thú y, thì với giá heo hơi trên thị trường rơi vào khoảng 5,6-5,7 triệu đồng/tạ như hiện nay, người chăn nuôi thu được mức lợi nhuận chỉ khoảng 200.000 đồng/con.

“Đó là trường hợp trong quá trình nuôi thuận lợi, chứ nếu gặp dịch bệnh là trắng tay”, ông Thạch nói. Hiện nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương Tây Ninh như ông Thạch đã quyết định “treo chuồng” hoặc giảm quy mô thả nuôi.

Bà Nguyễn Thị Thu (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) cho hay với giá bán gà thịt từ 65.000-70.000 đồng/kg mới hoàn vốn. Hiện bà Thu đã giảm 1/3 đàn so với trước đây và chờ đợi thị trường thức ăn chăn nuôi bình ổn, nếu tiếp tục chăn nuôi khi giá thức ăn chăn nuôi leo thang bà Thu cho rằng sẽ cầm chắc việc lỗ vốn.

Theo Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mì (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mì), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô)… để làm thức ăn chăn nuôi.

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thế giới. Sở dĩ nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc là do năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, công nghệ sản xuất và quản lý thức ăn chăn nuôi còn kém phát triển, nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thủ công.

Kiến Minh