Tại một trạm xăng gần sân bay Cologne (Đức), ông Bernd Mueller nhìn chăm chăm vào các con số lướt nhanh trên bảng điện tử: 22 EUR, 23 EUR, 24 EUR. Những con số biết nói đã chỉ ra rằng lượng xăng đổ vào bình đang tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với trước. Cụ ông 80 tuổi này tỏ ra ngán ngẩm: “Tôi sẽ bỏ xe ô tô vào tháng 10, tháng 11 tới đây”. Dĩ nhiên, ông Mueller không phải là người duy nhất cảm thấy chán nản trước tình trạng giá xăng tăng mạnh trong thời gian ngắn.

giá xăng tăng mạnh
(Ảnh: Trí Thức VN)

Trên toàn cầu, những người lái xe như ông Mueller đang suy tính lại về thói quen cũng tình hình tài chính cá nhân trong bối cảnh giá xăng và dầu diesel tăng một cách chóng mặt, nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraine và phục hồi toàn cầu sau đại dịch COVID-19. Giá năng lượng được xem là một động lực chính của lạm phát đang tăng trên toàn thế giới và khiến chi phí sinh hoạt ở khắp nơi trở nên đắt đỏ hơn.

Một tài xế xe công nghệ ở Việt Nam đã tắt ứng dụng gọi xe vì không muốn đốt nhiên liệu đắt đỏ trong những giờ cao điểm. Một gia đình ở Pháp giảm bớt quy mô của kỳ nghỉ dự kiến diễn ra vào tháng 8. Một nhà thiết kế đồ họa ở California (Mỹ) tính thêm giá xăng vào chi phí đi gặp khách hàng. Một người mẹ ở Rome (Ý) đang cân nhắc chi phí đưa con trai đi cắm trại, đã nghĩ đến một bữa pizza đơn giản.

Những quyết định được đưa ra trên khắp nền kinh tế thế giới cũng đa dạng như chính người tiêu dùng và các quốc gia, nhưng có một điểm chung, đó là: Đi bộ nhiều hơn; đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt; lôi chiếc xe đạp đã “phủ bụi” xuống; nhấn ga xe đều hơn để tiết kiệm nhiên liệu, hay cân nhắc xem chuyến đi có đáng không; hoặc thậm chí bỏ hẳn ô tô.

Đối với hàng triệu người không được tiếp cận với các loại phương tiện giao thông công cộng hoặc không thể bỏ đi ô tô, cách duy nhất là chịu đựng trả tiền xăng và cắt giảm chi tiêu ở những khoản khác.

Nguyen Trong Tuyen, một lái xe Grab ở Hà Nội cho biết anh phải tắt ứng dụng trong giờ cao điểm: “Nếu bị kẹt xe, phí chở không bù lại tiền xăng cho chuyến đó”, anh nói. Nhiều lái xe khác cũng tắt ứng dụng như Tuyen, khiến khách hàng gặp khó hơn khi đặt xe giờ cao điểm.

Ở Manila (Philippines), anh Ronald Sibeyee từng chi 900 PESO (gần 17 USD) tiền dầu mỗi ngày cho chiếc xe jeepney sặc sỡ, loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Philippines. Anh hiện phải chi 2.200 PESO (41,4 USD) cho chừng đó dầu diesel.

“Đó đáng ra đã là thu nhập của chúng tôi. Giờ thì không còn gì nữa”, Sibeyee than thở. Thu nhập của anh đã giảm khoảng 40% do giá nhiên liệu tăng cao.

Giá xăng và dầu diesel là một phương trình phức tạp gồm chi phí dầu thô, thuế, sức mua và sự giàu có của từng quốc gia, trợ cấp của chính phủ và mức chi phí của những bên trung gian như nhà máy lọc dầu. Dầu được định giá bằng USD, vậy nên nếu một quốc gia là nhà nhập khẩu năng lượng, thì tỷ giá hối đoái đóng một vai trò nhất định. Đồng EUR yếu hơn gần đây được cho là một phần đẩy giá xăng dầu ở châu Âu lên cao.

Nguy hiểm nhất được xem là các yếu tố về địa chính trị, chẳng hạn như cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Kế hoạch cấm vận dầu của phương Tây đã làm chao đảo các thị trường năng lượng vốn đang phải đối mặt với nguồn cung khan hiếm do cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Giá dầu thô trên toàn cầu là khoảng 110 USD/thùng, nhưng không có mức giá chung nào ở các trạm xăng toàn cầu do chính sách thuế và các yếu tố khác. Ở Hồng Kông và Na Uy, người dân có thể phải trả hơn 10 USD cho mỗi gallon (1 gallon = 3,78 lít). Tại Đức, mức giá có thể vào khoảng 7,5 USD/gallon, và ở Pháp, con số này rơi vào khoảng 8 USD. Ở Mỹ, dù thuế nhiên liệu thấp hơn khiến giá xăng rẻ hơn, ở mức 5 USD/gallon, nhưng đây vẫn là mức giá kỷ lục ở “xứ cờ hoa”.

Người dân ở các nước nghèo chắc chắn là những người nhạy cảm nhất với giá năng lượng tăng cao, nhưng giờ đây người dân châu Âu và Mỹ cũng đang cảm thấy bất an không kém.

Charles Dupont, quản lý một cửa hàng quần áo ở vùng Essonne, phía nam Paris, buộc phải đi làm bằng ô tô riêng. “Tôi tập kiểu ‘lái xe sinh thái’, tức là lái xe chậm hơn và tránh phanh gấp”, anh bộc bạch.

Những người khác thì cố gắng vận dụng tất cả những gì có thể để giảm tốc độ vơi xăng. Cô Letizia Cecinelli, đang đổ xăng tại một trạm ở Rome, cho hay rằng cô phải chuyển sang xe đạp và cố gắng giảm các chuyến xe ô tô không thực sự cần thiết.

Trên thực tế, người dân vẫn đang đổ xăng nhiều không kém trước khi xảy ra đại dịch, theo Hiệp hội các trạm xăng của Đức. “Mọi người đang đổ xăng nhiều như trước, họ phàn nàn nhưng vẫn đang chấp nhận điều đó”, phát ngôn viên của hội, ông Herbert Rabl cho biết.

Triển vọng hạ giá xăng phụ thuộc rất nhiều vào việc cuộc chiến ở Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Các nhà phân tích nhận định rằng một lượng dầu của Nga gần như chắc chắn sẽ bị mất khỏi thị trường bởi Liên minh châu Âu (EU), khách hàng thân thiết và lớn nhất của Nga, đã tuyên bố sẽ chấm dứt hầu hết các giao dịch mua từ Moscow trong vòng 6 tháng.

Lúc này, với nhiều người, chi tiêu cho những chuyến đi chơi, hay những kỳ nghỉ hè kéo dài ở châu Âu, đang được đặt lên bàn cân. Isabelle Bruno, một giáo viên ở ngoại ô Paris, hiện phải bắt xe buýt đến ga tàu thay vì lái xe mất 10 phút. “Tôi và chồng thực sự lo lắng về những ngày nghỉ lễ bởi chúng tôi thường lái ô tô về thăm gia đình ở miền nam Pháp”, cô chia sẻ. “Giờ thì chúng tôi sẽ quan tâm đến vé tàu và chỉ sử dụng ô tô cho những chuyến đi ngắn mà thôi”.

Phan Anh