Mức hỗ trợ học nghề hiện tại cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Việt Nam đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng mức hỗ trợ học nghề trong gói bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

ho tro hoc nghe 1
Mức hỗ trợ học nghề với người tham gia BHTN được đề xuất tăng từ 1 triệu/người/tháng lên tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa. (Ảnh minh họa: Posteriori/Shutterstock)

Theo Bộ LĐ-TB-XH, với mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia BHTN tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ số người được hỗ trợ so với số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ chiếm 5%.

Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do chi phí hỗ trợ học nghề thấp hơn rất nhiều so với mức chi phí học các nghề: trang điểm, lái xe (hạng B2, hạng C)… Chưa kể mức hỗ trợ này là rất thấp với người thất nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, muốn tham gia học nghề các trình độ cao đẳng nghề.

Ngoài ra, trong quá trình học nghề, người thất nghiệp không được hỗ trợ bất kỳ một chi phí nào khác (tiền ăn, ở, đi lại,…) trong điều kiện họ đang bị mất việc làm. Đây cũng là một khó khăn dẫn tới tình trạng người thất nghiệp không muốn tham gia học nghề.

Vì vậy, bộ này đề xuất người tham gia BHTN nhưng mất việc làm được hỗ trợ đào tạo nghề theo gói hoặc theo tháng.

Nếu người thất nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ được tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian học tối đa là 6 tháng, tức tổng mức hỗ trợ tối đa là 9 triệu đồng/người.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được xác định là 1 tháng.

Bộ LĐ-TB-XH cho rằng việc quy định mức hỗ trợ học nghề theo gói và theo tháng sẽ đáp ứng được tất cả đối tượng người thất nghiệp có nhu cầu học nghề. Bởi đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông nên mong muốn học một nghề với thời gian ngắn (từ 3 tháng trở xuống) để nhanh chóng tìm việc làm ngay. Mức hỗ trợ trên là mức trần, vì vậy, việc hỗ trợ học nghề vẫn dựa trên thực tế, tùy từng ngành nghề mà có mức hỗ trợ cụ thể.

Bộ này cũng cho rằng các mức hỗ trợ nêu trên đều được đưa vào tính toán để đảm bảo độ an toàn của Quỹ BHTN trong dài hạn. “Nếu thay đổi mức hỗ trợ học nghề từ 1 triệu đồng/người/tháng như hiện nay thành 1,5 triệu đồng/người/tháng với thời gian hỗ trợ học nghề là 6 tháng; 20% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, cùng với chi các chế độ khác và chi phí quản lý thì dự báo kết dư Quỹ BHTN đến năm 2030 vẫn ở mức khoảng 2.296 tỷ đồng”, cơ quan này dự báo.

ho tro hoc nghe
Số người thất nghiệp tăng cao trong năm 2020, song số người được nhận hỗ trợ học nghề lại giảm xuống chỉ còn 63% so với năm trước (đơn vị: người). (Số liệu: Bộ LĐ-TB-XH, biểu đồ: Nguyễn Minh)

Bộ LĐ-TB-XH dẫn số liệu do các địa phương cung cấp, nhận định số lao động tham gia BHTN được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng nhanh. Năm 2015 có 24.363 người (tăng 23% so với năm 2014), năm 2016 có 28.573 người (tăng 17% so với năm 2015), năm 2017 có 34.723 người (tăng 21% so với năm 2016), năm 2018 có 37.977 người (tăng 9,3% so với năm 2017), năm 2019 có 41.906 người (tăng 10,3% so với năm 2018).

Riêng năm 2020 có 26.507 người, giảm 36,7% so với năm 2019 do tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) kéo dài (số người bị mất việc, giảm giờ làm do bị ảnh hưởng bởi đại dịch lên tới 32,1 triệu người, tính trong năm 2020, theo Tổng cục Thống kê).

Theo số liệu từ Ban Thu (BHXH Việt Nam), tính đến hết năm 2020, có khoảng trên 13,29 triệu người người tham gia BHTN, chiếm khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Nguyễn Minh

Xem thêm:

Bộ LĐTBXH đề xuất dành 3.000-5.000 tỷ đồng đào tạo lại 1 triệu lao động