Nghị trường sáng nay tiếp tục sôi nổi với các vấn đề nóng về thông tin người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ và cơ chế kiểm soát dòng tiền ra nước ngoài; vướng mắc trong hướng xử lý nợ công và dư nợ cho vay BĐS.

tien cuc
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) (trái) và đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cùng nêu ra những lo ngại về cơ chế kiểm soát dòng tiền ra nước ngoài và những vướng mắc trong xử lý nợ xấu. (Ảnh: VGP)

Chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng về cơ chế kiểm soát dòng tiền ra nước ngoài, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu ý kiến: Thời gian qua, thông tin trên báo chí phản ánh người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ. Xin Thống đốc cho biết, số tiền này có phải là lượng ngoại tệ chuyển từ Việt Nam sang Mỹ để mua BĐS hay không? Cơ chế kiểm soát giám sát dòng tiền ra nước ngoài hiện nay của NHNN như thế nào?

Trả lời chất vấn của đại biểu Đình Cúc, Thống đốc giải thích “thông tin mua bất động sản tại Mỹ không có cơ sở để khẳng định con số này là dòng ngoại tệ từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài để mua BĐS tại Mỹ , vì hiện nay số liệu người Việt Nam mua BĐS tại Mỹ là do Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc của Mỹ công bố được thực hiện qua phiếu điều tra. Ở đây, số liệu 3 tỷ USD có thể là người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì cũng được tính là người nước ngoài, thứ hai là công dân Việt sinh sống tại các quốc gia khác nhưng đến Mỹ mua nhà cũng được tính là người Việt Nam.”

Về tình hình đầu tư ra nước ngoài, riêng lĩnh vực BĐS hiện nay đã có 43 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 920 triệu USD, chiếm khoảng 4,3% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trong đó có 17 dự án đầu tư vào Mỹ, với tổng số vốn đăng ký khoảng 270 triệu USD, chiếm 1,3% tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Đến nay, số vốn đầu tư thực tế chuyển qua Mỹ của các dự án đầu tư kinh doanh BĐS chỉ khoảng 215 triệu USD. Trong năm 2017, có 3 dự án được cấp phép đầu tư sang Mỹ với số vốn đăng ký 15 triệu USD.

Thống đốc cũng cho biết hiện NHNN đã có cơ chế kiểm soát hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài khá đầy đủ thông qua việc ban hành các quy định về trách nhiệm tổ chức tín dụng được phép, cùng với các quy định trong luật phòng chống rửa tiền, các quy định về báo cáo các giao dịch và đặc biệt là các quy định xử phạt hành chính trong vi phạm các chính sách chuyển tiền ra nước ngoài.

“Trên thực tế, các quy định về ngoại hối và quy định pháp luật có liên quan cũng đã kiểm soát chặt chẽ các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài. Nhưng trên thực tế cũng có thể có một số trường hợp vẫn lợi dụng các quy định của pháp luật để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài qua các trung gian chuyển tiền. Do đó các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới là NHNN và một số cơ quan chức năng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm để hạn chế các trường hợp chuyển tiền bất hợp pháp qua các trung gian”, Thống đốc nói.

Năm 2017, dự kiến xử lý được 200.000 tỷ nợ xấu – Dư nợ cho vay BĐS trên 400.000 tỷ

Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi:

“Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 42 ngày 21/7/2017 về Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đề nghị Thống đốc cho biết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 42 có gì vướng mắc và kết quả sơ bộ về thực hiện nghị quyết này.”

Trả lời chất vấn liên quan đến Nghị quyết 42, Thống đốc cho biết “có nhiều vướng mắc đã phát sinh trong quá trình thực thi trong thời gian vừa qua sau khi thực hiện Nghị quyết 42 được hai tháng. Trong chương trình hành động, ngành ngân hàng sẽ phải tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là Tòa án nhân dân các cấp, cơ quan thi hành án và một số cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung đã được Quốc hội cho phép trong Nghị quyết 42, góp phần tháo gỡ khó khăn.”

Thống đốc cũng cho hay kể từ khi thực hiện Nghị quyết 42 từ ngày 15/8/2017 đến nay, kết quả xử lý nợ xấu đã đạt được khoảng gần 15.000 tỷ đồng, tổng số nợ xấu đã được xử lý từ đầu năm đến nay khoảng 78.000 tỷ của toàn hệ thống,… Riêng VAMC, năm nay dự kiến sẽ xử lý nợ xấu được khoảng 20.000 tỷ, lũy kế từ 2013 đến nay xử lý được khoảng 60.000 tỷ.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương ở Ninh Thuận lo ngại về tín dụng vào BĐS tiềm ẩn rủi ro. Thống đốc giải trình: “Dư nợ cho vay BĐS của các NHTM hiện nay khoảng trên 400.000 tỷ, chiếm 6,5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tỷ trọng tín dụng này đã giảm so với năm ngoái (7,7%); đồng thời tốc độ tăng tín dụng [trong BĐS] cũng giảm so với năm ngoái, và tốc độ tăng cũng thấp hơn so với tốc độ tăng tín dụng của toàn hệ thống. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có những biện pháp quản lý chặt chẽ tín dụng vào BĐS bằng các quy định về tỷ lệ an toàn, các quy chế về sử dụng vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tăng cường công tác thanh tra chất lượng tín dụng vào BĐS.”

Chân Hồ – Phạm Toàn

Xem thêm: