Chính sách phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bóp nghẹt nhiều cơ hội kinh doanh trong năm 2022, và đẩy nhanh quá trình chuyển vốn nước ngoài sang các nước khác.

bieu tinh giay trang
Ở lối vào của Đường Trung lộ Urumqi ở Thượng Hải, mọi người giơ tờ giấy trắng. (Ảnh: MXH)

Mặc dù zero-COVID cuối cùng đã chấm dứt, nhưng theo một báo cáo của Deutsche Welle, mục tiêu đầu tư của các công ty châu Âu năm 2023 sẽ không được chuyển từ ASEAN sang Trung Quốc.

Báo cáo dẫn lời ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành của Hội nghị Đông Âu thuộc Liên minh châu Âu (EU), chỉ ra rằng việc chính quyền Bắc Kinh dỡ bỏ chính sách zero-COVID có thể là một tin tốt. Nhưng các doanh nhân châu Âu và những người chủ trương tách rời với Trung Quốc, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ không ở lại vì chính sách này đã thay đổi.

Ông Humphrey cho rằng Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ với sự gia tăng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông không nghĩ rằng những động thái gần đây của Trung Quốc sẽ thay đổi xu hướng này. Đối với nhiều nhà doanh nghiệp, Trung Quốc hiện được coi là thị trường phải được tiếp cận một cách thận trọng. Đông Nam Á hiện đã được coi là một phần trong bố cục của châu Á và toàn cầu.

Đầu tư của các quốc gia thành viên EU vào 10 nước ASEAN trong năm 2021 là khoảng 26,5 tỷ USD, mức cao kỷ lục. Con số này đã gia tăng đáng kể so với 18,5 tỷ USD đầu tư năm 2020 và 6,1 tỷ USD đầu tư năm 2019.

Tại hội nghị thượng đỉnh toàn diện đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU-ASEAN tại Brussels vào tháng 12/2022, Chủ tịch Ủy ban điều hành EU, bà Ursula von der Leyen, cam kết sẽ đầu tư 10 tỷ euro vào Đông Nam Á, để chống lại tham vọng của Trung Quốc trong kế hoạch “Vành đai và Con đường”.

Căng thẳng giữa EU và Bắc Kinh trở nên tồi tệ hơn đáng kể vào năm 2021 về một loạt vấn đề. Đáng chú ý là EU đã trừng phạt một số quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở tây bắc Tân Cương.

Bắc Kinh cũng đáp trả bằng cách trừng phạt một số chức sắc châu Âu. Động thái này đã bóp nghẹt việc ký kết thỏa thuận đầu tư toàn diện Trung Quốc-EU vào cuối năm 2020, và khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn.

Có thể nói các hạn chế chống COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư do dự với thị trường nước này. Đồng thời sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng khiến các nhà đầu tư châu Âu lo ngại.

Ông Frederick Kliem, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSiS) tại Singapore, cho rằng Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Trung Quốc. Phạm vi chế tài có lẽ rất rộng, khiến các nước châu Âu có thể phải tuân thủ các lệnh trừng phạt này.

Trong khi các nhà đầu tư châu Âu xa lánh Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đã thu hút thành công sự chú ý của họ.

Bà Shada Islam, chuyên gia về các vấn đề của EU, cho biết câu cửa miệng mới nhất của EU là “giảm sự phụ thuộc” vào các sản phẩm chính do bất kỳ quốc gia nào sản xuất. Tuy nhiên, có thể thấy từ nỗ lực loại bỏ Nga rằng kỳ thực muốn cắt đứt quan hệ thương mại lâu dài nói thì dễ, nhưng thực hiện lại khá nan giải.

Nhằm phản đối Nga xâm lược Ukraine, ngày 28/2, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt Ngân hàng Trung ương của Nga, cấm giao dịch với ngân hàng trung ương Nga và các quỹ đầu tư nước ngoài của Nga, và áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn hơn đối với nền kinh tế Nga.

Phía Nga cũng quyết định trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu khí đốt tự nhiên, khiến nhiều thành viên EU rơi vào cảnh khốn đốn. Hành động này đã tiếp tục làm tăng giá năng lượng vốn đang ở mức rất cao, dẫn đến lạm phát kỷ lục ở Liên minh châu Âu.

Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Singapore có hiệu lực từ năm 2019. Hiệp định với Việt Nam mới được 12 nước EU thông qua, còn 15 nước chưa phê duyệt. Đàm phán với Indonesia có tiến triển, đàm phán với Thái Lan, Malaysia và Philippines cũng có thể được hoàn thành trong vòng vài năm.

Bình Minh (t/h)