Trong thời gian chờ đợi đàm phán giá điện giữa các nhà đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 36 nhà máy điện tái tạo đề xuất với EVN được tạm thời bán điện với mức giá hơn 6 cent/kWh (khoảng 1.5000 đồng) để tránh lãng phí hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư.

dien gio dien mat troi nang luong tai tao EVN dien binh thuan
Nhà đầu tư đề xuất tạm bán điện với giá khoảng 1.500 đồng/kWh để tránh việc lãng phí, “nằm im” trong 2 năm qua. (Ảnh minh họa: binhthuan.gov.vn)

Chiều 20/3, các nhà đầu tư điện tái tạo đã có buổi họp với Tập đoàn EVN và trao đổi về các vướng mắc trong việc đàm phán giá bán điện, vốn đang là điểm nghẽn khiến hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào điện gió, điện mặt trời “nằm im” trong 2 năm vừa qua.

Để tránh lãng phí trong thời gian chờ đàm phán giá, nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp kiến nghị EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent một kWh (khoảng 1.500 đồng/kWh). Mức giá này thấp hơn giá trần của các dự án điện mặt trời nổi, điện gió đất liền theo khung giá của Bộ Công Thương (1.508 – 1.587 đồng một kWh), theo báo Vnexpress.

“Đây là mức giá tạm tính cho các chủ đầu tư. Sau này khi có giá chính thức có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố, tức thiếu EVN bổ sung, còn thừa chủ đầu tư trả lại”, đại diện T&T nêu quan điểm.

Đại diện Tập đoàn Năng lượng GULF (Thái Lan) cũng cho rằng mức giá tạm tính này tốt hơn cả giá EVN phải mua từ điện than (giá than nhập khẩu tăng) khiến việc sản xuất có lúc tới hơn 3.500 đồng/kWh.

Theo các chủ đầu tư, dự án điện tái tạo chuyển tiếp phần lớn không cần đầu tư thêm hạ tầng truyền tải, trong khi nếu EVN mua điện nhập khẩu thì vẫn phải đầu tư hệ thống đường truyền tải điện từ biên giới về điểm đấu nối tại Việt Nam.

“Không lý gì các dự án điện trong nước đã hoàn thành, sẵn sàng đưa điện lên lưới mà không được áp dụng giá tạm để huy động trong thời gian chờ đàm phán giá phát chính thức hoặc xem xét lại cơ chế giá”, một nhà đầu tư nhìn nhận, theo Vnexpress.

Ngoài ra, nhà đầu tư cho rằng việc giao Tập đoàn EVN và EPTC làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn. Phương pháp tính toán của EVN được cho là chưa phù hợp và chưa đảm bảo tính khách quan,

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.

Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

Theo cập nhật của EVN, đến ngày 20/3 mới có 1 hồ sơ của doanh nghiệp gửi về để đàm phán hợp đồng mua bán điện, giá điện. Các chủ đầu tư cho biết chần chừ, không mặn mà đàm phán giá điện, vì ngoài khung giá thấp, các quy định, quy trình thủ tục hồ sơ chưa được hướng dẫn rõ ràng.

Ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Đại Dương nói, chủ đầu tư hết sức khó khăn, chính sách thiếu hoặc chưa hoàn chỉnh. Theo ông, khi chưa có những hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp nộp hồ sơ thì liệu pháp lý đã đủ chưa, trong khi đàm phán có thể kéo dài, khó khăn.

Theo ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết hai đề xuất của nhà đầu tư về khung giá điện thấp và cho phép huy động sản lượng điện là nằm ngoài thẩm quyền của EVN, báo Việt Nam Net đưa tin.

Theo ông Nhân, khung giá và phương pháp đàm phán đã được đề ra, hiện đang chờ Bộ Công thương thông qua, trên cơ sở đó EVN đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho Công ty mua bán điện để tiến hành thương lượng.

Đức Minh