Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vừa kết thúc việc khắc phục sự cố kỹ thuật, giúp nhà máy này vận hành 100% công suất từ chiều ngày 15/1. Tính trong tháng 1, nhà máy bị thiếu hụt khoảng 200.000 m3 xăng dầu và cho biết sẽ chạy tối đa công suất để bù đắp trở lại.

nha may loc dau nghi son
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho biết sẽ bảo đảm vận hành bù đắp sản lượng bị thiếu hụt trong thời gian sửa chữa sự cố kỹ thuật. (Ảnh chụp màn hình: THPT Thanh Hóa/Youtube)

Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn) cho biết nhà máy này đã đẩy nhanh sửa chữa sự cố kỹ thuật tại phân xưởng cracking xúc tác tấng sôi (RFCC) và hoàn thành công việc này vào hôm 13/1.

Tới chiều ngày 15/1, phân xưởng RFCC sau đó được khởi động lại và nhà máy vận hành trở lại đạt 100% công suất.

Sau khi hoạt động ổn định ở mức này, Lọc dầu Nghi Sơn sẽ tăng công suất trong nửa sau tháng 1 và các tháng tiếp theo để bù lại lượng sản phẩm sụt giảm vì sự cố kỹ thuật từ cuối tháng 12/2022.

Ông Lê Quốc Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHNN Lọc hoá dầu Nghi Sơn cam kết nhà máy sẽ bảo đảm cung ứng đủ lượng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2023. Lọc dầu Nghi Sơn sẽ tăng công suất cao nhất trước kỳ bảo dưỡng tổng thể lần đầu (từ 25/8 tới) để bù đắp sản lượng trong thời gian bảo dưỡng, báo Vnexpress đưa tin.

Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố rò rỉ tại khớp nối giãn nở nhiệt giữa tháp tái sinh xúc tác tầng 1 và 2 của phân xưởng RFCC (cracking xúc tác tầng sôi) từ cuối tháng 12/2022, khiến nhà máy này giảm công suất vận hành xuống 85%.

Riêng sản lượng xăng dầu cung ứng từ nhà máy giảm khoảng 20 – 25% so với kế hoạch trong tháng 1, tương đương gần 200.000 m3 (kế hoạch ban đầu là 800.000 m3 và hiện giảm về 600.000 m3), ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu.

Năm ngoái, Lọc dầu Nghi Sơn cũng từng phải giảm công suất vì mất cân đối tài chính. Tính chung công suất trung bình cả năm 2022 của nhà máy này gần 88%, tương ứng 33 chuyến dầu thô (8,9 triệu tấn). Tổng lượng hàng sản xuất và cung cấp ra thị trường 7,4 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có 7,7 triệu m3 xăng dầu cho thị trường nội địa.

Kế hoạch năm nay nhà máy này đạt công suất gần 80% do có gần 2 tháng bảo dưỡng tổng thể, tương ứng chế biến khoảng 7,96 triệu tấn dầu thô.

Liên quan đến thị trường xăng dầu, vừa qua, Bộ Công thương Việt Nam đề xuất giảm thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày vì cho rằng sẽ bám sát diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới hơn.

Cụ thể, Nghị định 95/2021 hiện quy định thời gian điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước giữa hai kỳ là 10 ngày, vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Bộ Công thương đưa ra hai tình huống:

Phương án 1, giữ nguyên thời gian điều hành giá như hiện nay, tức 10 ngày một lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Khi giá dầu thô có “biến động lớn”, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ thị cho liên Bộ Công thương – Tài chính thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp diễn biến từng giai đoạn.

Phương án 2, rút ngắn thời gian công bố giá xăng dầu xuống 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần.

Bộ Công thương nêu quan điểm chọn phương án rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ.

Đức Minh