Từ năm 2018 đến nay, Nhật Bản đã vượt qua Đài Loan trở thành thị trường có số lao động xuất khẩu Việt Nam cao nhất. Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc đã tuyên bố đóng cửa đối với 40 quận, huyện của Việt Nam do số lao động vi phạm vượt ngưỡng…

xuất khẩu lao động, lao động bỏ trốn
Trong 10 tháng năm 2019, gần 120.000 người Việt Nam đi xuất khẩu lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10/2019 là 13.415 lao động (4.677 lao động nữ, chiếm 34,8%), bằng 92,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, 8.327 lao động đang làm việc tại thị trường Nhật Bản (3.039 lao động nữ), đứng thứ hai là Đài Loan với 4.216 lao động (1.527 lao động nữ).

Tiếp đến là Hàn Quốc 647 lao động (43 lao động nữ), UAE 42 lao động (2 lao động nữ), Macao: 116 lao động (65 lao động nữ) Ả rập – Xê út: 61 lao động (48 lao động nữ), UAE: 26 lao động (2 lao động nữ), và các thị trường khác.

Tổng cộng trong 10 tháng năm 2019, có 118.030 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 40.492 lao động nữ (chiếm 34%). Với mục tiêu năm 2019 đưa 120.000 lao động đi xuất khẩu lao động, trong 10 tháng, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 98% kế hoạch.

xuất khẩu lao động
Tổng số lao động xuất khẩu tại một số thị trường lớn trong năm 2018. (Số liệu: dolab.gov.vn)

Về thị trường lao động, theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ năm 2018 đến nay, Nhật Bản đã vượt qua Đài Loan trở thành thị trường có số lao động Việt Nam đi làm việc lớn nhất.

Năm 2018, tổng số người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản chiếm cao nhất, 68.737 người, vượt hơn 8.300 người so với tổng số lao động xuất khẩu tại Đài Loan (60.369 người). Tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản trong năm 2018 lên tới hơn 140.000 người.

Phía Nhật Bản tuyển dụng lao động trong 14 ngành nghề gồm: xây dựng, đóng tàu/công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/ điện tử/thông tin, bảo dưỡng/ sửa chữa ô tô và hàng không.

Đầu tháng 5/2019, phía Hàn Quốc đã thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2019 đối với người lao động từ 40 quận/huyện tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây là những địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước chiếm từ 30% trở lên và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.

Tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước (từ ngày 1/1/2018-31/12/2019) là 100% tại thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình); tiếp đến là 72,84% tại huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh); 66/67% tại huyện Đông Sơn (Thanh Hóa).

Quảng Bình cũng là tỉnh có địa phương có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao nhất trong danh sách, huyện Bố Trạch với 323 người.

Xét theo đơn vị tỉnh, Nghệ An có tổng số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn nhất, 1.661 người/9 huyện. Đứng thứ hai là Hà Tĩnh với tổng cộng 873 người/5 huyện.

xuất khẩu lao động, lao động bỏ trốn
Số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (tính đến ngày 31/1/2019). (Số liệu: dolab.gov.vn)

Tại thị trường Malaysia, từ tháng 3/2019, Chính phủ Maylaysia xóa bỏ hoạt động cho thuê lại lao động nước ngoài của các công ty outsourcing tại Malaysia.

Theo đó, các công ty outsourcing phải chuyển tất cả lao động nước ngoài đang quản lý sang các chủ trực tiếp sử dụng lao động trước ngày 31/3/2019. Đối với những lao động không đủ điều kiện chuyển sang chủ trực tiếp sử dụng lao động, người lao động bắt buộc phải hồi hương, nếu không sẽ trở thành lao động bất hợp pháp.

Ngoài ra, người lao động nước ngoài sau khi kết thúc 10 năm làm việc tại Malaysia có thể được gia hạn làm việc tối đa 3 năm tiếp theo.

Từ tháng 3/2019 đến 2/2020, tại Malaysia, mức thuế levy cho lao động được gia hạn giảm xuống (6.000RM/năm đối với nghành chế tạo, dịch vụ và xây dựng, 2.000 RM/năm đối với nghành nông nghiệp và trồng trọt), riêng giúp việc gia đình, mức thuế levy không đổi là 450RM/năm. Chi phí levy do người sự dụng lao động chịu.

Nguyễn Quân

Xem thêm: