Sau khi Mỹ đưa ra “Đạo luật Khoa học và Chip 2022” (CHIPS and Science Act) nhắm vào việc sản xuất chip và phát triển công nghệ bán dẫn của chính quyền Bắc Kinh cho mục đích quân sự, họ cũng đang nỗ lực để Nhật Bản và Hà Lan tham gia liên minh hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cho Bắc Kinh. Sau khi đàm phán, có thông tin tiết lộ rằng Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý hợp tác với Mỹ. 

shutterstock 1501235957
(Ảnh minh họa: Gorodenkoff/ Shutterstock)

Hãng tin Reuters dẫn lời Bloomberg cho biết, theo những người quen thuộc với vấn đề này, Nhật Bản và Hà Lan sẽ tham gia vào liên minh của Mỹ để hạn chế xuất khẩu các thiết bị bán dẫn liên quan đến sản xuất chip sang Bắc Kinh. Sau khi kết thúc đàm phán, Hà Lan sẽ thực hiện các biện pháp để hạn chế ASML Holding NV, công ty sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới, xuất khẩu sang Bắc Kinh thiết bị bán dẫn có thể được sử dụng để sản xuất một số loại chip tiên tiến. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ áp đặt các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn tương tự đối với Nikon Corp.

Vào ngày 27/1, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản kiêm Phó Chánh văn phòng Nội các, ông Seiji Kihara, tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ thực hiện “các biện pháp thích hợp” tương ứng căn cứ theo các biện pháp quản lý của Mỹ và các quốc gia (có công nghệ chip) khác. Ông Seiji Kihara từ chối bình luận thêm khi được các phóng viên hỏi về báo cáo của Bloomberg.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, “Chúng tôi liên tục thảo luận với Mỹ và các nước khác về kiểm soát xuất khẩu, sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp dựa trên luật ngoại hối của chúng tôi và thông qua hợp tác quốc tế.” Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thêm thông tin.

Tương tự như vậy, Bộ Ngoại giao Hà Lan cũng từ chối bình luận về vấn đề này. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, ông muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ và các đồng minh khác về các hạn chế (công nghệ chip) cứng rắn hơn. Tuy nhiên, Hà Lan sẽ không đơn giản là chỉ áp dụng các quy tắc của Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ rằng đại diện của Nhật Bản và Hà Lan đã gặp nhau tại Washington ngày 27/1 và một thỏa thuận giữa Chính phủ Hà Lan và Mỹ sẽ được hoàn tất vào cuối tháng Một.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, một người quen thuộc với vấn đề này cho biết, các quan chức Chính phủ Hà Lan nhấn mạnh rằng các hạn chế mới (công nghệ chip) là để giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia, chứ không phải là vì để mang lại lợi ích cho các công ty chip của Mỹ.

ASML, có trụ sở tại Veldhoven, Hà Lan. Năm 2022, công ty này có doanh thu tại thị trường Trung Quốc là 2,16 tỷ euro, chiếm 14% tổng doanh thu của công ty. Trung Quốc Đại Lục là thị trường lớn thứ 3 của công ty sau Đài Loan và Hàn Quốc.

Một quan chức thương mại và công nghiệp tham gia vào giám sát các công ty bán dẫn, tiết lộ với điều kiện giấu tên, cho biết doanh số bán hàng của các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn có liên quan ở Nhật Bản dự kiến ​​sẽ sớm bị ảnh hưởng, bởi vì thị phần thiết bị của các công ty này đang mở rộng.

Kể từ khi Mỹ đưa ra “Đạo luật khoa học và chip 2022” vào tháng 10/2022, hiện nay Hà Lan và Nhật Bản đã tham gia liên minh để hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Bắc Kinh, đây sẽ là một thắng lợi ngoại giao cho chính quyền Tổng thống Mỹ Biden. Nếu Nhật Bản hoặc Hà Lan không sẵn sàng hợp tác, thì các công ty Mỹ sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh.