Bất chấp nhiều nỗ lực từ Chính phủ và Ngân hàng nhà nước (NHNN) từ đầu năm, lãi suất cho vay trên thị trường hầu như không giảm. Trong số hàng loạt các nguyên nhân được đưa ra, có một nguyên nhân ít được đề cập trực diện chính là sự suy giảm niềm tin trong hệ thống các NHTM, dấy lên lo ngại rủi ro gia tăng từ các NHTM yếu kém.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ luôn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 1 – 1,5%/năm. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực của Chính phủ, mặt bằng lãi suất cho đến hiện nay gần như không có thay đổi đáng kể. Trong hơn một tháng trở lại đây, một số ngân hàng lớn đã giảm lãi suất huy động 0,3 – 0,5 điểm phần trăm đối với tiền gửi ngắn hạn. Mặc dù vậy, nhìn chung mặt bằng lãi suất hầu như không có biến động đáng kể.

Trên bề mặt, nhiều điều kiện thuận lợi cho việc hạ lãi suất đã xuất hiện như:

  • Tăng trưởng tín dụng khả quan, 9 tháng đầu năm 2016 tín dụng tăng 12,5% so với cuối năm 2015, có thể đạt mức tăng 18-20% theo kế hoạch; đây là mức tăng khá trong 3 năm gần đây;
  • Thanh khoản của khu vực ngân hàng dồi dào, chỉ số LDR (Dư nợ/Huy động) ở mức 84,4% – là mức thấp so với năm 2015 (85,7%) và an toàn theo chuẩn mực an toàn tài chính thế giới;
  • Đặc biệt là lãi suất liên ngân hàng (còn gọi là lãi suất qua đêm) xuống thấp kỷ lục, quanh mức 0,5%, và là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Dù lãi suất liên ngân hàng thấp kỷ lục song lãi suất huy động lại khó giảm, thậm chí tăng ở một số NHTM nhỏ

Biến động của lãi suất thị trường liên ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá thanh khoản của hệ thống. Khi nguồn vốn dồi dào, các ngân hàng có thể chào nguồn vốn giá rẻ trong nội bộ hệ thống, khi đó những NHTM mất cân đối vốn, thiếu hụt thanh khoản có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn này (phục vụ nhu cầu cho vay, thanh khoản của họ); do vậy, thị trường liên ngân hàng trở thành nơi cung cấp nguồn vốn trung gian vô cùng quan trọng đối với các NHTM, giúp các NHTM đảm bảo cân đối tốt nguồn vốn của mình cũng như duy trì khả năng thanh khoản.

Thông thường lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất cho vay/huy động của các NHTM trên thị trường chính thống có sự liên thông chặt chẽ. Quy luật này không xẩy ra trong giai đoạn thị trường khủng hoảng hoặc tiền khủng hoảng.

Trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, hệ thống các NHTM trong nước gặp khó khăn thanh khoản khiến lãi suất huy động tăng tới hơn 20%/năm. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm có thời điểm vượt 30%/năm. Tại giai đoạn đó, dù chấp nhận tỷ lệ lãi suất cao nhưng các NHTM không dễ gì có thể vay được NHTM khác nếu không có tài sản đảm bảo có tính thanh khoản mạnh như trái phiếu chính phủ, vàng, ngoại tệ… Điều này hiếm xẩy ra trong nội bộ hệ thống khi thanh khoản tốt, các NHTM tin tưởng vào năng lực tài chính và cam kết của nhau. Tình trạng mất niềm tin trong hệ thống xẩy ra trong các giai đoạn khủng hoảng hoặc tiền khủng khoảng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, thị trường liên ngân hàng của Mỹ thậm chí đóng băng (không có giao dịch) khi Leman Brother sụp đổ; niềm tin trong hệ thống thị trường tài chính Mỹ đổ vỡ hoàn hoàn tại thời điểm đó, các NHTM – do khó khăn về năng lực tài chính – có thể sẵn sàng phá vỡ cam kết và mất khả năng trả nợ.

Trong suốt thời gian qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và thị trường chính thống đã không còn vận hành theo đúng quy luật. Mặc dù lãi suất liên ngân hàng xuống thấp kỷ lục, nhưng lãi suất huy động, cho vay trên thị trường không giảm; thậm chí lãi suất huy động vào giữa tháng 10 có thời điểm đã vượt 8%/năm ở một số NHTM nhỏ. Dấu hiệu này đi ngược lại quy luật vận hành khi hệ thống ổn định cho thấy hệ thống NHTM nhiều rủi ro và bất ổn.

Khi mất mát niềm tin trong nội bộ hệ thống NHTM, lãi suất huy động và cho vay khó có thể giảm

Khi lãi suất trên hai thị trường không liên thông với nhau, có thể do hai nguyên nhân: thứ nhất, thanh khoản chỉ dồi dào tại một số ngân hàng lớn, tiềm lực tài chính mạnh; thứ hai, những NHTM thiếu cân đối vốn, có vấn đề về thanh khoản khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng. Nói cách khác, niềm tin trong nội bộ hệ thống NHTM giảm mạnh.

Kết quả là, khi các NHTM nhỏ tăng huy động, các NHTM lớn, có tiềm lực tài chính khá hơn và có điều kiện hạ lãi suất huy động cũng không muốn hạ lãi suất huy động của họ nhiều, họ cần giữ khoảng cách lãi suất an toàn với các NHTM nhỏ để đảm bảo cho khả năng huy động vốn và duy trì thanh khoản của mình.

Vì đâu nên nỗi …

Trong suốt hơn 5 năm tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), các vấn đề của hệ thống được nhận diện khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc xử lý Nợ xấu của hệ thống tài chính đã chưa được thực hiện rốt ráo: nợ xấu đơn giản được khoanh lại tại VAMC, các NHTM yếu kém được bán với giá 0 đồng cho các NHTM lớn. Điều này đồng nghĩa với việc các khối u của hệ thống không được khu trú lại và phẫu thuật dứt điểm, chỉ thay vào một lớp áo mới và chờ đợi thời gian.

Thị trường luôn vận hành theo quy luật nhất định, phản ánh đúng hình thái và trật tự khách quan của nó chứ không vận hành theo các con số báo cáo chủ quan. Một trong những đặc trưng và cũng là cơ chế tự nhiên của nền kinh tế thị trường là “phá sản doanh nghiệp”. Khi một cơ chế phá sản hình thành và có thể vận hành đúng quy luật, nền kinh tế ấy, thị trường ấy mới có cơ hội sớm tái tạo thông qua tái sử dụng các nguồn lực cũ và huy động hiệu quả nguồn lực mới.

Nếu không cho phép phá sản doanh nghiệp, các nguồn lực dùng để duy trì “doanh nghiệp xác sống” là vô cùng lãng phí và rủi ro. Chưa kể niềm tin trên thị trường suy giảm, khó thu hút các nguồn lực đầu tư mới. Do vậy, thiếu một cơ chế phá sản phù hợp với quy luật thị trường và trong một trật tự hợp lý, thị trường và đặc biệt là các thành phần tham gia vào thị trường đều mất đi nhiều cơ hội, trong đó có doanh nhân và người tiêu dùng (với khu vực ngân hàng thì chính là người gửi tiền).

Bởi vậy, thông điệp cân nhắc cho phá sản các NHTM yếu kém của Chính phủ gần đây là một tín hiệu tốt, có thể tạo một tiền lệ tốt để vận hành hệ thống tài chính minh bạch hơn và lành mạnh hơn nếu Chính phủ đảm bảo một lộ trình phá sản có trật tự và bảo vệ người gửi tiền.

Đàm Thanh

Xem thêm: