Sau khi vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu và lãnh đạo vướng vòng lao lý, nhiều doanh nghiệp “rục rịch” mua lại hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Trong đó, Tập đoàn Gelex được cho là có động thái mua lại số lượng trái phiếu trước hạn nhiều nhất trong thời gian qua.

trai phieu bat dong san dan dau quy 1 2022 trai phieu BDS nhieu rui ro
Bộ Tài chính cho biết 4 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu mua trước hạn là 24.700 đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: moc.gov.vn)

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong 4 tháng đầu năm, tổng khối lượng trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ tính riêng trong tháng 4, tổng khối lượng mua lại trước hạn tăng đột biến 11.900 tỷ đồng, cao xấp xỉ với khối lượng mua lại trong cả 3 tháng đầu năm là 12.800 tỷ đồng.

Hôm 27/5 vừa qua, Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) đã thông báo phương án mua lại 3 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá là 1.200 tỷ đồng. Đây đều là những trái phiếu được phát hành vào năm 2020 – 2021 với kỳ hạn ba năm. Ngày tổ chức mua lại là ngày 8/6 và ngày 17/6/2022.

Trước đó vào ngày 19/5, Tập đoàn này cũng đã mua lại một lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng chưa đầy hai tháng, Gelex tổ chức 4 đợt mua lại trái phiếu với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng.

Theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Gelex là doanh nghiệp phát hành số lượng trái phiếu lớn trong nhiều năm nay với các sản phẩm trái phiếu đa dạng. Trong đó các sản phẩm chủ yếu mà Gelex phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, trái phiếu có tài sản bảo đảm và trái phiếu không kèm chứng quyền. Hiện nay, các sản phẩm mà Gelex phát hành có kỳ hạn là 3 năm với lãi suất cụ thể như: cố định 10%/năm trong 2 năm đầu. Kể từ năm thứ 3, lãi suất sẽ bằng trung bình lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh + 3.5%/năm.

Những đợt trái phiếu gần đây nhất của Gelex có thể kể đến như, ngày 7/1/2022, công ty đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn ba năm. Ngày hoàn tất đợt phát hành trái phiếu là 7/1 và được đáo hạn vào ngày 23/12/2024. Theo đó, các thông tin khác về loại trái phiếu, lãi suất, trái chủ, đơn vị thu xếp cho thương vụ… đều không được công bố.

Trước đó ngày 23/12/2021, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho 1 tổ chức tín dụng, kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định là 8,5%/năm và trả lãi 3 tháng một lần. Công ty cho biết mục đích huy động để tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệp, nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngày 31/12/2021, công ty đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm cho 1 tổ chức tín dụng trong nước, lãi suất 12 tháng đầu tiên là 8,5%/năm và sau đó điều chỉnh theo thị trường. Kỳ trả lãi là 6 tháng một lần. Số tiền huy động được sử dụng cho mục đích tăng quy mô hoạt động, nhằm bổ sung vốn lưu động.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Gelex cho thấy lũy kế cả năm 2021 của tập đoàn có kết quả kinh doanh khá tốt. Cụ thể, lũy kế cả năm 2021, đạt 28.769 tỷ đồng doanh thu thuần, đạt 2.054 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, so với năm 2020 tăng lần lượt 59% và 72%. Với kết quả này, Gelex hoàn thành kế hoạch doanh thu và đã vượt 60% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (1.285 tỷ đồng) đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu giúp kết quả kinh doanh của Gelex có sự đột biến trong năm qua chủ yếu từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Tổng công ty Viglacera (VGC) từ quý 2/2021, sau khi Gelex nâng tỷ lệ sở hữu đạt trên 51%. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới tổng tài sản của Gelex năm qua có sự biến động mạnh so với năm 2020. Theo đó, tổng tài sản của Công ty đạt 61.182 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021, so với đầu năm tăng 2,25 lần.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 12/5 vừa qua, nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về các đợt phát hành trái phiếu của Gelex. Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn khẳng định Tập đoàn Gelex luôn làm đúng quy trình. Đối tác phát hành của Gelex là các định chế tài chính lớn như Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), Shinhan,…

Đi đôi với các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A), Gelex cũng ghi nhận tổng tài sản và nợ tăng mạnh. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Gelex khẳng định các hệ số nợ của tập đoàn vẫn đang ở ngưỡng “an toàn, tương đối thấp”. Tính tới cuối quý 1/2022, Gelex có tổng nợ phải trả đạt gần 39,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có gần 22,8 nghìn tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính (dài hạn là hơn 15 nghìn tỷ đồng). Nợ vay trái phiếu là xấp xỉ 7.000 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động mua lại trái phiếu chưa đến hạn, Gelex cho biết nguồn tiền để mua lại là từ dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp. Đơn vị tham gia hỗ trợ mua lại có Chứng khoán VIX và ngân hàng TPBank.

Theo trang Zing, hàng loạt doanh nghiệp lớn khác đã tiến hành mua lại trái phiếu trong tháng vừa qua. Đáng kể như Công ty An Phát Finance tất toán sớm toàn bộ các trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng vào ngày 25/4. Đây là 7 lô trái phiếu có kỳ hạn có thời điểm đáo hạn sớm nhất từ tháng 8 và trễ nhất là tháng 10/2024.

Công ty Intimex Việt Nam mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027. Công ty Chứng khoán ngân hàng Quân đội (MBS) mua lại toàn bộ 320 tỷ đồng trong gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 10 năm nay.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng tất toán sớm 2 gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 5/2024 và 800 tỷ đáo hạn tháng 4/2023. Ngân hàng TMCP Maritime mua sớm 1.000 tỷ đồng gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2023.

Ngoài ra, Tập đoàn Apec và Tập đoàn VSET bị buộc phải thu hồi trái phiếu đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền đã mua hoặc đưa tiền đặt cọc. Trong đó, Apec phải hoàn trả 500 tỷ đồng còn VSET là 208 tỷ đồng.

Ngày 9/5, Công ty Bông Sen mua lại tiếp 376 tỷ đồng trong gói 4.320 tỷ đồng (dư nợ gói này còn 1.544 tỷ đồng). Ngày 10/5, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mua lại 500 tỷ trước hạn trong gói trái phiếu 2.500 tỷ đồng.

Kiến Minh