Tại tỉnh Gia Lai, dù nhà máy điện gió Ia Le 1 chưa bồi thường cho người dân nhưng vẫn đưa vào vận hành thử nghiệm. Còn tại Ninh Thuận, nhiều dự án điện mặt trời (ĐMT) đã bao trọn lấy các hồ chứa nước, người dân đảo lộn cuộc sống vì không tiếp cận được nguồn nước. Không ít dự án ĐMT cũng đã phá vỡ quy hoạch, lấn chiếm chèn ép đất rừng, hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa.

dien ap mai nha du an dien mat troi o khanh hoa dien tai tao
Làm dự án điện mặt trời “núp bóng” trang trại, điện áp mái ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

Theo đó, ngày 2/6, UBND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cho biết đã yêu cầu Công ty CP Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 (Công ty Cao Nguyên 1) tạm ngừng vận hành thử nghiệm Nhà máy điện gió la Le 1 do bị người dân tố chưa giải quyết xong các thủ tục bồi thường, theo báo Dân Việt.

Trước đó, Nhà máy điện gió Ia Le 1 vẫn cho chạy thử nghiệm 14 trụ điện gió, bắt đầu từ chiều hôm 30/5 đến ngày 31/5.

Đến sáng 31/5, khi chính quyền xã Ia Le vào làm việc và yêu cầu tạm ngừng, phía công ty cho biết “vẫn sẽ tiếp tục cho chạy thử nghiệm”.

Thấy nhà máy hoạt động, chiều 31/5, nhiều hộ dân xã Ia Le tiếp tục kéo lên trụ sở Ban Tiếp công dân huyện Chư Pưh kiến nghị yêu cầu giải quyết xong vấn đề bồi thường đất đai, hỗ trợ mới được vận hành các trụ gió.

Còn tại Ninh Thuận, hàng chục hồ đập thuỷ lợi ở tỉnh này đang bị “bóp nghẹt” bởi các dự án ĐMT. Trong khi đó, những ngày đầu hè năm nay, nhiều người dân xã Phước Nam và Phước Dinh, huyện Thuận Nam không thể cho cừu, bò của mình xuống hồ thủy lợi Bàu Ngứ uống nước giải nhiệt như mấy năm về trước, Tiền Phong đưa tin.

Lý do là Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành (Công ty Trường Thành) – chủ đầu tư Nhà máy ĐMT Bầu Ngứ (quy mô công suất 37,4 MW, diện tích đất sử dụng 73 ha, tổng mức đầu tư ban đầu là 1.500 tỷ đồng) đã cho làm hàng rào bao quanh hồ từ tháng 7/2019.

Đến tháng 1/2021, các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Ninh Thuận cho hay tường rào Nhà máy ĐMT hồ Bầu Ngứ đã làm cản trở đường xuống uống nước hồ của gia súc, vật nuôi.

Tại Ninh Thuận cũng có nhiều dự án ĐMT chồng lấn quy hoạch thủy lợi và gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng của người dân.

Một tỉnh khác là Khánh Hòa cũng đối mặt hàng chục dự án ĐMT đã phá vỡ quy hoạch, lấn chiếm chèn ép đất rừng, hồ thủy lợi, công trình khác. Và điều lạ là những dự án như vậy vẫn được hòa lưới điện quốc gia rất sớm.

Theo ghi nhận, khắp các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa đều có rất nhiều dự án ĐMT xây dựng tại đất rừng sản xuất.

Không những cho xây dựng nhà máy ĐMT trên đất rừng, UBND tỉnh Khánh Hòa còn giao đất và cho thuê đất nhiều dự án điện mặt trời vượt quy hoạch sử dụng đất.

Kết luận 640 của Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện việc nhiều dự án điện mặt trời mái nhà ở Khánh Hòa được xây dựng trên cùng một mảnh đất, địa điểm được chia nhỏ công suất dưới 1 MW để tránh làm thủ tục phê duyệt quy hoạch và miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Trọng Minh (t/h)