Sau khi Nghị định 08/2023 của Chính phủ Việt Nam ban hành cho phép doanh nghiệp trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác (trước đó chỉ quy định trả bằng tiền), nhiều người sở hữu trái phiếu (trái chủ) cho biết cần nhận tiền hơn, vì lo ngại chất lượng, tính thanh khoản, tính pháp lý,… của những loại tài sản mà doanh nghiệp muốn hoán đổi nợ, đơn cử như các dự án bất động sản chưa hình thành.

trai phieu bat dong san doanh nghiep trai phieu thi truong trai phieu bat dong san trai phieu
Nhiều trái chủ cho rằng Nghị định 08 có lợi cho doanh nghiệp hơn và bày tỏ lo lắng về chất lượng tài sản có thể được nhận. (Ảnh ghép: Shutterstock/baochinhphu.vn)

Trong chương trình về ngành bất động sản (BĐS) của Công ty Chứng khoán SSI diễn ra vào chiều hôm 8/3, bà Đinh Thị Mai Anh Trưởng phòng Phân tích SSI cho biết đa số trái chủ chỉ muốn được thực hiện đúng cam kết là trả lãi và gốc đúng hạn, thay vì lùi hay hoán đổi do lo ngại tính pháp lý của những sản phẩm chuyển đổi, trang Vietnambiz đưa tin.

Theo bà Mai Anh, Nghị định 08 cho phép các doanh nghiệp được trao đổi và thương lượng với các trái chủ về việc tái cấu trúc và thay đổi thời hạn trả gốc trả lãi và phương thức chuyển đổi nợ gốc thành BĐS, hoặc theo hình thức tài sản khác.

“Theo như chúng tôi thấy, đa số trái chủ chỉ muốn được thực hiện đúng cam kết là trả lãi và gốc đúng hạn, và trái chủ vẫn kỳ vọng doanh nghiệp vẫn thanh toán được thay vì lùi hay hoán đổi”, Trưởng phòng Phân tích SSI cho hay.

Bà Anh nói thêm, có nhiều chủ đầu tư cam kết sẽ đảm bảo tính pháp lý cho những sản phẩm để chuyển đổi, tuy nhiên để thực hiện được trong thực tế thì không dễ dàng. Nguyên nhân vì các nhà đầu tư không thể cùng chuyển đổi chung nhau một tài sản hay một sản phẩm bất động sản, hầu như sẽ không có ai mong muốn việc này cả.

Theo phản ánh, nhiều trái chủ cũng tỏ ra lo ngại về giá trị, tính pháp lý, tính thanh khoản của tài sản đảm bảo mà doanh nghiệp phát hành mang ra đổi nợ. Chị T.N là trái chủ của Công ty CP Quang Thuận cho rằng Nghị định 08 chỉ có lợi cho doanh nghiệp, theo trang Zing.

“Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng. Nếu chủ đầu tư chấp nhận đổi lấy bất động sản thì giá trị của bất động sản có thực sự đúng với giá thị trường, chưa kể còn rủi ro về mặt pháp lý, thanh khoản”, chị này nói.

Chị Diễm My, nhà đầu tư đang sở hữu trái phiếu của Tân Hoàng Minh cho biết hiện tại Tân Hoàng Minh gần như không hoạt động, tê liệt hoàn toàn nên không có người đứng đầu phê duyệt trả tài sản cho nhà đầu tư.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng Nghị định 08/2023 sẽ có khả năng trái chủ là bên chịu các bất lợi trong quan hệ song phương, do thông tin từ doanh nghiệp thiếu minh bạch, cũng theo Zing.

Hơn nữa, còn rủi ro với nhà đầu tư trái phiếu là chỉ có phía doanh nghiệp mới nắm chắc thông tin về tình trạng pháp lý, khả năng thanh khoản của các loại tài sản được đề xuất đưa ra hoán đổi các khoản nợ.

“Ngoài ra, có thể xảy ra trường hợp phía doanh nghiệp phát hành sẽ câu kết để có thể có hành vi trục lợi, hoặc đơn giản liên kết trái chủ chi phối ép các trái chủ đơn lẻ (không chiếm số đông)”, ông Việt nói.

Đức Minh