Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về việc độc quyền huy động vàng miếng, và kinh doanh vàng trên tài khoản.

huy dong Vang
NHNN đề xuất độc quyền huy động vàng miếng, và kinh doanh vàng trên tài khoản cá nhân. (ảnh qua: wsj.net)

Tại nghị định 24 hiện hành, NHNN chỉ độc quyền trong việc sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Tuy nhiên, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 của chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN đề xuất Nhà nước độc quyền huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản.

Cụ thể, khoản 3 điều 6 của Nghị định được sửa đổi như sau: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản.”

Ngoài ra, trong khoản 6 điều 19 của Dự thảo còn nhấn mạnh thêm rằng: Mọi hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản với các tổ chức khác là không được phép.

>> Chất vấn: Huy động 500 tấn vàng và hàng chục triệu USD trong dân – Làm sao cam kết tiền gửi?

Trước đó, hoạt động huy động vàng từ các ngân hàng đã chấm dứt từ ngày 25/11/2012 theo quy định tại Thông tư số 12 của NHNN.

Kể từ đó đến nay, đã có nhiều kiến nghị về các biện pháp huy động 500 tấn vàng trong dân.

Vào năm ngoái, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam từng đề xuất phát hành chứng chỉ vàng như một cách Nhà nước giữ hộ vàng cho dân, và giấy chứng nhận vàng này được dùng trong giao dịch cầm cố, thế chấp và bán khi cần. Tuy nhiên ý tưởng đã không thành hiện thực vì thói quen mua vàng của người dân là để dành dụm, phòng thân chứ không mang nhiều mục đích đầu cơ.

Đến năm 2017, một phương án khác được đưa ra là tăng lãi suất để khuyến khích người dân đổi vàng và ngoại tệ thành tiền đồng để gửi ngân hàng. Có thời điểm lãi suất huy động lên đến hai con số, tuy nhiên, kết quả vẫn không huy động được vàng do các chuyên gia lo ngại việc tăng lãi suất sẽ gây ra rủi ro kinh tế vĩ mô, và quan trọng nhất, sự trượt giá của tiền đồng đã khiến người dân không mấy mặn mà.

Gần đây nhất, vào tháng 8/2017, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn tới Thống đốc NHNN tiếp tục nghiên cứu giải pháp huy động nguồn vàng và ngoại tệ trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển.

Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, hiện người dân đang giữ khoảng 500 tấn vàng, tương đương xấp xỉ 20 tỷ USD.

Chân Hồ

Xem thêm: