Tại phiên đầu tuần sáng ngày 28/3, thị trường chứng khoán phủ “sắc đỏ” khi nhiều mã cổ phiếu ngành bất động sản, ngân hàng giảm mạnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu FLC bị bán tháo với giá sàn từ đầu đến cuối phiên. Tâm lý chung trên thị trường bất ổn, lực bán ra nhiều hơn khiến chỉ số VN-Index giảm hơn 15 điểm (1,02%), xuống còn 1.483,18 điểm.

ong Trinh Van Quyet co phieu FLC tap doan FLC ban thao co phieu FLC 2
Hôm 28/3, nhà đầu tư chọn cách “xả hàng” nhóm cổ phiếu họ FLC do lo ngại về thông tin không tốt có liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Ông Quyết trong một cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk vào tháng 3/2021. (Nguồn: daklak.gov.vn)

Vào sáng 28/3, nhóm cổ phiếu có liên quan với Tập đoàn FLC (cổ phiếu “họ” FLC) bao gồm: FLC (Tập đoàn FLC); AMD (Khoáng sản FLC); ROS (FLC Faros); HAI (Nông dược HAI); ART (Chứng khoán BOS) và KLF (Thương mại và XNK CFS) bị nhà đầu tư bán tháo với giá sàn ngay từ đầu phiên giao dịch sau khi có tin đồn trên các diễn đàn trực tuyến về việc ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bị tạm giam, hoãn xuất cảnh để điều tra.

Cụ thể, sau khi xác định giá mở cửa đầu ngày, FLC dư bán sàn (giá 13.600 đồng/cổ phiếu) hơn 35 triệu đơn vị, ROS dư bán sàn (giá 8.770 đồng/cổ phiếu) gần 30 triệu đơn vị, các mã HAI (giá 6.320 đồng/cổ phiếu), ART (giá 10.300 đồng/cổ phiếu) và KLF (giá 6.400 đồng/cổ phiếu) mỗi mã dư bán sàn từ 3-8 triệu đơn vị.

Với tâm lý lo lắng của đám đông, đà giảm giá của nhóm cổ phiếu trên lan sang các mã cổ phiếu nhóm ngành bất động sản và ngân hàng, vốn là hai nhóm ngành “trụ đỡ” cho đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vài tuần trở lại đây.

Theo đó, mã cổ phiếu HQC giảm sàn giá 9.400 đồng/cổ phiếu, CEO giảm 4% còn 68.100 đồng/cổ phiếu, CII, NBB, DIG giảm trên 3% với giá lần lượt là 31.900 đồng, 33.000 đồng, 98.940 đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư liên tục “xả hàng” do lo ngại giá sẽ tiếp tục giảm.

Ngược lại với đà giảm chung, “sắc xanh” của thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu dầu khí do được lợi từ thông tin giá dầu thế giới tăng trở lại. Đầu phiên hôm nay, nhiều mã vượt trên giá tham chiếu như: PVC tăng hơn 3% (lên 29.760 đồng/cổ phiếu), PVS có thêm 2% (lên 35.190 đồng/cổ phiếu), PVD vượt tham chiếu 1,6% (lên 35.900 đồng/cổ phiếu), PLX tăng 0,7% (giá 56.000 đồng/cổ phiếu),…

Gần 11h sáng, các mã họ FLC tiếp tục giữ trạng thái “trắng bảng bên mua”. FLC dư bán sàn hơn 64 triệu cổ phiếu, ROS dư bán hơn 58 triệu đơn vị, KLF, AMD đều dư bán trên 13 triệu đơn vị. Thanh khoản của nhóm này chỉ nhích nhẹ so với giữa phiên sáng, trong khoảng từ 2-5 triệu cổ phiếu. Lực mua bắt đáy có xu hướng giảm dần.

Chốt phiên giao dịch buổi sáng, đà giảm giá vẫn chiếm đa số ở các mã cổ phiếu, tâm lý nhiều nhà đầu tư muốn ra hàng nhanh. Theo đó, “sắc đỏ” trên thị trường chiếm áp đảo với 325 mã giảm trên sàn HoSE, so với 125 mã tăng. Đối với nhóm thuộc chỉ số VN30, có tới 23/30 mã bluechip thấp hơn giá tham chiếu.

Đến trưa ngày 28/3, nhiều trang báo trong nước dẫn lời các quan chức Bộ Công an khẳng định tin đồn ông Quyết bị bắt là không chính xác, tuy vậy vẫn có sự bất nhất về thông tin ông Quyết có bị tạm hoãn xuất cảnh để điều tra hay không.

Trên thị trường, áp lực bán tháo với một số mã bất động sản được duy trì đến cuối ngày 28/3. Nhóm họ FLC được nhiều sự chú ý khi trạng thái giao dịch vẫn “trắng bảng bên mua” từ đầu phiên đến cuối phiên. Khối lượng cổ phiếu dư bán giá sàn của nhóm này đến cuối phiên gần 140 triệu đơn vị. Trong đó, dư bán sàn của FLC và ROS ghi nhận gần 60 triệu đơn vị mỗi mã.

Ngoài nhóm FLC, tình trạng giảm sàn cũng diễn ra với một số mã khác như HQC dư bán sàn hơn 12 triệu cổ phiếu với giá 9.400 đồng/cổ phiếu; QCG, NBB, DIG chốt phiên mất gần 7%; CII giảm trên 6%; SCR, NLG giảm khoảng 5%.

Từ đầu tháng 3/2022, giá cổ phiếu FLC có xu hướng tăng trong ngắn hạn, từ mức 12.900 đồng/cổ phiếu (ngày 1/3) lên 14.900 đồng/cổ phiếu (ngày 21/3), tăng khoảng 15,5%. Mức giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất khối lượng đạt 25,6 triệu đơn vị. Tuy vậy, hôm qua khối lượng giao dịch giảm gần 80%, khớp lệnh chỉ đạt 5,1 triệu đơn vị.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của Tập đoàn FLC, ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank: mã STB) hiện là bên cho vay lớn nhất của Tập đoàn FLC với số tiền là 1.840 tỷ đồng, kế đến là ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV: mã BID) với số tiền là 1.747 tỷ đồng. Chốt phiên ngày 28/3, cổ phiếu STB giảm 5,3% xuống mức 31.850 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 36,7 triệu đơn vị. Cổ phiếu BID giảm 4,3% xuống mức 41.600 đồng/cổ phiếu, thanh khoản gần 4 triệu đơn vị. Tương tự, một số mã ngân hàng khác giảm như: ngân hàng Công thương (CTG: giảm 1,24%, giá còn 31.800 đồng/cổ phiếu); ngân hàng Ngoại thương (VCB: giảm 0,12%, giá còn 82.400 đồng/cổ phiếu),…

Kết thúc giao dịch ngày 28/3, chỉ số VN-Index giảm hơn 15 điểm (1,02%) xuống 1.483,18 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm hơn 14 điểm (0,95%) xuống 1.484,16 điểm. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index mất gần 1,5% xuống còn 454,89 điểm.

Ngày 24/3 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt Tập đoàn FLC 495 triệu vì các vi phạm liên quan đến việc công bố thông tin, sai lệch về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, bán niên 2021 và báo cáo tình hình quản trị công ty. Điều này cũng khiến giá cổ phiếu FLC giảm khoảng 3% trong phiên ngày 25/3.

Quang Minh