Lãi dự thu tăng vọt trong các ngân hàng thương mại (NHTM) kể từ 2012 vốn không phải là vấn đề mới, nhưng được giới chuyên gia rất quan tâm bởi nó liên quan mật thiết đến nợ xấu thực và thậm chí là tăng trưởng tín dụng thực. Tuy nhiên, đằng sau đó là quan ngại lớn hơn về đạo đức ngành và một thể chế giám sát còn quá nhiều hạn chế…

Lãi dự thu là khoản lãi (doanh thu) chưa thu được, nhưng các ngân hàng thương mại (NHTM) hạch toán khoản doanh thu dự kiến này như một khoản doanh thu chính thức. Các chuyên gia ngành ngân hàng lo ngại phần lớn lãi dự thu giai đoạn 2012-2016 được hạch toán từ các khoản vay không có khả năng thu hồi lãi và gốc (thực chất là nợ xấu), nhưng hiện vẫn nằm trong bảng cân đối tài sản của NHTM như các khoản nợ nhóm 1 (nợ có khả năng thu hồi). Các NHTM đã hạch toán những khoản lãi (đáng lẽ phải thu nhưng chưa hoặc không thu nổi ấy) thành lãi dự thu thay vì chuyển nhóm các khoản nợ nhóm 1 thành nợ quá hạn và nợ xấu. Bởi vì, khi chuyển nhóm nợ, các NHTM sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), làm giảm mức sinh lời; quan trọng hơn, tỷ lệ nợ xấu cao có thể khiến các NHTM bị kiểm soát đặc biệt, khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh (huy động và cho vay).

Do vậy, lợi nhuận cuối năm có thể không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh của các NHTM. Nợ xấu thực có thể lớn hơn nhiều so với nợ xấu mà các NHTM báo cáo. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vấn đề thiếu minh bạch, thậm chí là sai phạm, trong hạch toán lãi dự thu và phân loại nợ xấu xuất phát từ đâu? Nó chỉ đơn thuần là vấn đề đạo đức và tính liêm chính tại các NHTM bị xói mòn hay còn được lặng lẽ “cổ súy” bởi chính sách và những bất cập của hệ thống giám sát tài chính hiện nay?

Lãi dự thu tăng cao kể từ khi bắt đầu thực hiện đề án xử lý nợ xấu

Quy mô lãi dự thu của toàn hệ thống NH tăng mạnh kể từ năm 2012 cho đến nay – đây cũng là năm bắt đầu chương trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trọng tâm là xử lý nợ xấu với mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào năm 2015; đó cũng là thời điểm tỷ lệ nợ xấu tăng cao tại các NHTM. Tháng 3/2015, NHNN cho biết tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tại thời điểm tháng 9/2012 thực tế ở mức 17%; con số này này thậm chí còn cao hơn tỷ lệ nợ xấu 12% mà Fitch Ratings ước tính tại thời điểm đó. Cho tới nay, nợ xấu được công bố bởi NHNN đã về dưới mức 3% – theo đúng lộ trình xử lý nợ xấu mà NHNN cam kết với Chính phủ.

Nếu như đầu năm 2012, con số lãi dự thu chỉ ở mức hơn 40 nghìn tỷ đồng, thì đến cuối quý I/2016, tổng quy mô lãi dự thu của 34 NHTM tăng lên 168 nghìn tỷ đồng, cao gấp 4 lần, trong đó 123 nghìn tỷ đồng là từ tín dụng. Lãi dự thu từ tín dụng chiếm tỷ trọng lớn, vì trong cơ cấu thu của ngân hàng, thu từ tín dụng chiếm 85 – 90%.

Chương trình xử lý nợ xấu không thành công là nguyên nhân khiến lãi dự thu cao bất thường

Kể từ năm 2012 cho tới nay, xử lý nợ xấu được thực hiện thông qua 3 hình thức chủ yếu: (1) Từ nguồn dự phòng rủi ro tín dụng của các NHTM; (2) Bán nợ cho VAMC; (3) Cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ theo các quyết định hành chính và thu hồi nợ từ khách hàng.

Mặc dù xử lý nợ xấu thông qua bán nợ cho VAMC được xác định là biện pháp trọng tâm nhưng đến nay vẫn chưa đạt được nhiều kết quả do gặp phải nhiều rào cản, đặc biệt các rào cản pháp lý là những trở ngại lớn nhất. Trong khi đó, nguồn dự phòng rủi ro tín dụng của chính các NHTM rất eo hẹp trong giai đoạn này do hiệu quả kinh doanh thấp trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, tăng trưởng tín dụng thấp. Có thể nói, xử lý nợ xấu qua VAMC cho tới nay là một giải pháp không hiệu quả, mang tính hình thức và không chạm được tới vấn đề gốc rễ của nợ xấu, đó là thực sự xóa nợ xấu khỏi bảng cân đối của NHTM (xem Hộp 1 – Tại sao các NHTM không muốn bán nợ xấu cho VAMC).

Do vậy, NHNN, trước áp lực đưa nợ xấu về mức 3% như đã cam kết, đã ban hành khuôn khổ chính sách ngắn hạn, mang tính tình thế cho phép các NHTM khoanh nợ, giãn nợ và cơ cấu lại nợ, các biện pháp này trở thành cứu cánh của các NHTM.

Chính sách mở đường cho NHTM tăng lợi nhuận ảo, giấu nợ xấu

Để tạm thời giải phóng áp lực nợ xấu cho các NHTM cũng như cho khối doanh nghiệp, từ đó khơi thông dòng tín dụng vào khu vực sản xuất, NHNN trong 2 năm 2012 và 2013 đã liên tiếp phát hành các chính sách cho phép các NHTM tái cơ cấu lại nợ xấu, khoanh nợ, giãn nợ: Quyết định 780/QĐ-NHNN của NHNN ngày 23/04/2012 (QĐ 780) về khoanh nợ, giãn nợ; Công văn 7558 ngày 14/10/2013 cho phép khoanh trả lãi, thu gốc trước hạn, cơ cấu lại nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn, tiếp tục cho vay đối với doanh nghiệp có nợ xấu.

Mặc dù các chính sách này chỉ có tính chất tình thế (có hiệu lực trong ngắn hạn, QĐ 780 có hiệu lực đến ngày 1/4/2015), nhưng lại trở thành công cụ chính của các NHTM trong giai đoạn đó. Kết quả là, các NHTM đã thực hiện khoanh, giãn nợ xấu, cho vay mới để trả nợ xấu cũ, làm đẹp báo cáo chất lượng tài sản ngân hàng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều khoản nợ ngắn hạn đáng ra đã phải hạch toán phân loại thành nợ xấu nhưng chưa được thực hiện. Biểu hiện của những khoản nợ xấu này là lãi dự thu của các NHTM tăng vọt bắt đầu từ cuối năm 2012 – thời điểm QĐ 780 bắt đầu có hiệu lực.

Ngay cả khi nhiều khoản nợ xấu cũ đã được cơ cấu lại xong, thì nợ xấu mới vẫn tiếp tục phát sinh, bởi nhiều khách hàng đã mất khả năng trả ngay cả lãi vay chứ chưa nói đến trả gốc. Để làm đẹp báo cáo, các khoản nợ xấu không được phân loại theo đúng chuẩn mực kế toán mà thay vào đó, các NHTM tiếp tục giải ngân cho khách hàng, còn phần lãi không thể thanh toán thì được nhập vào nợ gốc; điều này cũng giúp khu vực ngân hàng có thể báo cáo con số tăng trưởng tín dụng tốt hơn so với thực tế. Các NHTM, nhờ thế, cũng tăng doanh thu, tăng lợi nhuận bất chấp thực trạng nợ xấu tăng cao, năng lực tài chính yếu kém.

Vấn đề đạo đức ngành và năng lực giám sát của hệ thống tài chính

Khi nói về nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, các chuyên gia, các nhà quản lý kinh tế và Chính phủ các nước đều thừa nhận: đạo đức ngành tài chính nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đang bị xói mòn, tính liêm chính của thị trường suy yếu là nguyên nhân căn bản dẫn tới sự sụp đổ của các định chế tài chính, các hệ thống tài chính và gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trầm trọng năm 2007-2008.

Để đưa hoạt động của hệ thống tài chính đi đúng quỹ đạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức ngành – vốn được xác định là vấn đề cốt lõi, chính phủ các nước đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giám sát các định chế và hệ thống tài chính, chú trọng đổi mới thể chế để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về giám sát hữu hiệu như đảm bảo tính độc lập và năng lực giám sát của cơ quan giám sát, tăng cường chuẩn mực an toàn tài chính, tăng cường minh bạch thông tin, củng cố và nâng cấp năng lực quản trị… Quyết tâm đổi mới thể chế này được thể hiện thông qua việc chính phủ các nước đã ban hành hàng loạt các Luật và văn bản dưới luật có liên quan.

Nhưng dù khuôn khổ pháp lý có hoàn hảo đến đâu, thì vấn đề đạo đức luôn là vấn đề vô cùng khó kiểm soát, nhức nhối và luôn là nguyên nhân căn bản dẫn đến sự sụp đổ của mỗi định chế, hệ thống và thậm chí là cả nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn kỳ vọng rằng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn, hoàn thiện hơn sẽ ước chế phần nào sự suy thoái đạo đức ngành, khôi phục tính liêm chính trong một lĩnh vực kinh doanh đầy rủi ro, đặc thù và trọng yếu đối với nền kinh tế – hệ thống các NHTM.

Quay trở lại với câu chuyện của các NHTM trong nước, cuộc khủng hoảng ngân hàng giai đoạn 2011-2012 cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân tương tự; đạo đức ngành suy giảm trầm trọng. Khi đó, (i) hoạt động kinh doanhh của các NHTM vượt rào khỏi mọi khuôn khổ pháp lý, khuôn khổ đạo đức tại thời điểm đó – tình trạng sở hữu chéo làm méo mó bảng cân đối tài sản và thu nhập của các NHTM; (ii) dòng tín dụng của NHTM chảy vào mà sân sau là các doanh nghiệp đầu cơ bất động sản; (iii) cổ phiếu, tín dụng dễ dãi theo lợi ích nhóm, biến tướng tín dụng thành các loại trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác đầu tư (để lách quy định về tín dụng, tránh phải trích lập DPRR) v.v…

Tuy nhiên, khác với các quốc gia khác, việc nâng tầm khuôn khổ pháp lý, cải tiện thể chế giám sát tại Việt Nam đều không được nhận thức đầy đủ hoặc thực hiện rốt ráo. Thay vào đó, thể chế giám sát hầu như chưa có cải thiện, chính sách đối với khu vực NHTM chỉ loay hoay quanh việc xử lý các vấn đề ngắn hạn, mang tính hình thức để làm đẹp các con số của hệ thống, ví dụ cho phép các NHTM che giấu nợ xấu, M&A (các hoạt động sát nhập mua bán doanh nghiệp) một cách cơ học đối với các NHTM yếu kém…

Nhìn lại cách NHNN xử lý nợ xấu trong giai đoạn đầu của tái cơ cấu, thì việc những sai phạm của ngành được tiếp tục che giấu một cách đường hoàng bởi chính cơ quan thực hiện chức năng quản lý, sở hữu và cả giám sát này đã dấy lên nhiều lo ngại bởi điều đó sẽ dẫn đến kết quả là hệ thống tiếp tục bị méo mó, rủi ro tiếp tục trú ngụ trong các tài sản xấu và dồn tích ngày một lớn tại các NHTM.

Quan trọng hơn tính liêm chính của thị trường, đạo đức ngành tại các NHTM càng không được ai quan tâm, hệ thống các NHTM tiếp tục thông tin cho người tiêu dùng, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách những “con số” mà họ muốn và có thể tạo ra. Sau gần 10 năm kể từ khủng hoảng 2007-2008, chúng ta vẫn chưa học được bài học cốt lõi nhất về an toàn hệ thống tài chính – đạo đức và tính liêm chính của ngành.

Tại sao các NHTM không muốn bán lại nợ xấu cho VAMC?

(i) Việc bán nợ làm tăng số trích lập dự phòng và xói mòn năng lực tài chính của các NHTM. Các NHTM bán nợ xấu cho VAMC hàng năm vẫn phải trích lập dự phòng tối thiểu 20% giá trị trái phiếu đặc biệt trong vòng 5 năm. Điều này làm xói mòn năng lực tài chính của các NHTM vốn đang rất yếu sau khủng hoảng (hiện ROA, ROE và NIM suy giảm mạnh). Nếu không bán nợ cho VAMC thì các NHTM chỉ phải trích lập dự phòng cho phần còn thiếu sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, dẫn đến việc nhiều NHTM muốn bán nợ nhưng không cân đối được khả năng tài chính nên chưa bán ngay nợ xấu cho VAMC.

(ii) Cơ chế mua lại nợ xấu của VAMC không khuyến khích lợi ích của các NHTM: Thứ nhất, VAMC chỉ xử lý những khoản nợ xấu có bảo đảm (những khoản nợ xấu có khả năng thu hồi tốt nhất), trong khi vẫn còn không ít các khoản nợ xấu mà ngân hàng đã cho vay theo các điều khoản dễ dãi và không có bảo đảm, lại chính là phần nợ xấu mà ngân hàng muốn xử lý nhất. Thứ hai, sau khi bán nợ, NHTM lại không có quyền được xử lý các khoản đảm bảo nợ, trong khi lại chưa rõ VAMC có tích cực xử lý các khoản nợ này hay không. Bởi nếu không xử lý thì sau 5 năm, NHTM sẽ vẫn phải tiếp tục chịu trách nhiệm về khoản nợ này và phải hoàn trả lại số tiền đã được NHNN tái cấp vốn. Cuối cùng là, NHTM bán nợ xấu của mình để đổi lấy một loại trái phiếu đặc biệt chưa có tiền lệ ở VN cũng như không được chính phủ bảo lãnh, trong khi đó, lãi suất tái cấp vốn đối với loại trái phiếu đặc biệt này, ngay cả khi được hưởng mức lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất tái cấp vốn hiện nay (là 6,5%), thì vẫn ở mức cao hơn so với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (1-2%/năm).

Chính vì những lý do trên, xét trên góc độ của TCTD, thì họ có thể sẽ lựa chọn việc tiếp tục che giấu nợ xấu, không bán cho VAMC vì trên thực tế họ vẫn còn nhiều cách làm đẹp chất lượng tài sản như giãn nợ, tái cho vay.

Phương Nga

Xem thêm: