Các nhà cung cấp nông sản Mỹ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về giá phân bón tăng cao. Sự tăng giá này có nguy cơ làm giảm năng suất cây trồng và làm trầm trọng thêm chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

pesticide spraying e1636745836188 1200x758 1
Máy phun thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ trên cánh đồng nho tại Thung lũng Napa, Hạt Napa, bang California ngày 18/4/2019. (Ảnh: bonandbon/Shutterstock)

Ông John Ortiz, giám đốc bán hàng của BigYield.us ở Thành phố Garden thuộc bang Missouri, than thở: “Vấn đề đó đang gây khó khăn cho chúng tôi.” BigYield.us là một tổ chức chuyên xây dựng các chiến lược nhằm tăng quy mô và chất lượng của cây trồng bằng cách sử dụng phân bón nitơ lỏng.

Ông Ortiz giải thích với The Epoch Times: “Nông dân sẽ luôn cần hạt giống. Nông dân sẽ luôn cần phân bón” để trồng trọt trên quy mô lớn, và “mọi người cần ăn.”

Nguồn cung phân bón đang bị thiếu hụt trong những tháng gần đây do giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Khí đốt là một trong những thành phần chính trong việc sản xuất phân bón.

Ông Ortiz than phiền, giá phân bón đã tăng gần gấp ba lần trong năm qua.

Năm 2020, chỉ cần khoảng 48 đô la tiền phân bón để bón cho một mẫu đất bề mặt. Tuy nhiên, theo ông Ortiz, năm 2021, phải cần khoảng 120 đô la cho một mẫu đất, tăng 72 đô la.

Vì vậy, nông dân đang phải xem xét cắt giảm sử dụng phân bón và tìm các phương pháp khác thay thế để cung cấp dưỡng chất cho lớp đất bề mặt quý giá.

Chuẩn bị cho tình trạng thiếu hụt phân bón trầm trọng hơn

Ông Ortiz cho biết, “Chúng tôi đang chuẩn bị”, nhưng nếu phân bón “không có ở đó, thì nó không có ở đó. Nếu bạn hết [phân bón], thì bạn hết. Làm thế nào bạn có được nhiều hơn.”

Ông cho biết thêm, hậu cần vận chuyển và chi phí vận tải tăng cao cũng trở thành một vấn đề đáng lo ngại.

Ông Ortiz nhận định: “Đó là hiệu ứng lan tỏa.” Ông tiết lộ, nông dân “rất lo lắng. Đây là một trong những tình huống chúng tôi chưa từng gặp phải trước đây.”

Ông Ortiz cho hay, nông dân không chỉ lo lắng về giá phân bón cao hơn, mà còn lo lắng về chi phí thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ cũng đang gia tăng.

“Thay vì phun [phân bón lỏng] lên mặt đất”, trong nhiều trường hợp, “họ [nông dân] sẽ quay lại làm đất” bằng cách sử dụng các phương pháp trồng trọt truyền thống hoặc các phương pháp trồng trọt thay thế.” Theo ông Ortiz, “rất nhiều người đang chuyển từ trồng bắp [không biến đổi gen] sang trồng đậu nành.”

Ông nhận xét, việc chuyển từ phân bón khô sang phân bón lỏng giúp tăng hiệu quả và năng suất cây trồng.

Là quốc gia sản xuất phân bón gốc nitơ lớn thứ tư trên thế giới, Mỹ mua 20% lượng urê và 40% lượng amoni nitrat từ Nga. Là quốc gia sản xuất và xuất khẩu urê và amoni nitrat lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc cũng là nhà cung cấp lớn các sản phẩm này cho Mỹ.

Gần đây, cả Nga và Trung Quốc đều thông báo rằng họ sẽ hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ, với hy vọng sẽ kiềm chế giá lương thực tăng thêm.

Nông dân Mỹ đang thực sự cảm thấy túng quẫn. Ông Ortiz chỉ trích: “Vấn đề đó xảy ra khi chúng ta dựa [quá nhiều] vào bên ngoài để [sản xuất] sản phẩm của mình. Điều đó thật điên rồ.”

CF Industries, nhà sản xuất và phân phối phân bón nông nghiệp hàng đầu của Mỹ, gần đây đã phải đóng cửa hoạt động tại Vương quốc Anh trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên tăng cao và lỗ ròng hàng quý được báo cáo là 185 triệu đô la.

Cơn bão Ida cũng buộc các nhà máy sản xuất amoniac của công ty này ở bang Louisiana phải ngừng sản xuất.

Ông John Kempf, nhà sáng lập của Advancing Eco Agriculture, tiết lộ, trong một số trường hợp, nguồn cung phân bón “gần như không có.” Advancing Eco Agriculture là công ty chuyên cung cấp dưỡng chất cho thực vật và chất kích thích tăng trưởng sinh học có trụ sở tại Middlefield thuộc bang Ohio.

Tuy nhiên, theo ông Kempf, “vấn đề lớn hơn” là phần lớn thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ được sử dụng trong nông nghiệp ở Mỹ được sản xuất ở nước ngoài.

Ông nhận định, nông dân Mỹ cũng đang chịu thiệt hại do chuỗi cung ứng hậu cần bị đứt gãy và phân tán.

Quay trở lại trồng trọt truyền thống

Là nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng sinh học và khoáng chất, ông Kempf khẳng định, công ty của ông đang tìm cách giúp nông dân giảm bớt phụ thuộc vào phân bón và thuốc trừ sâu hiện đại, đồng thời nâng cao hiệu quả và giảm bớt chi phí.

Ông Kempf nói với The Epoch Times: “Chúng tôi tin rằng nông dân đã quá lạm dụng các sản phẩm này trong một thời gian dài,” và sự lạm dụng đó cũng tổn hại hệ sinh thái.

Về lâu dài, ông Kempf cho rằng, từ bỏ sử dụng nhiều phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp “sẽ buộc chúng ta phải trở thành những nông dân tốt hơn.”

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta biết rằng 60% nitơ được sử dụng trên cây ngô sẽ không được hấp thụ và bị trôi xuống sông hoặc bị cuốn vào đất.”

Ông khuyến nghị, “chỉ có một mô hình” có thể giảm bớt tình trạng thiếu hụt phân bón hiện nay, đó là trở nên ít phụ thuộc hơn vào phân bón tổng hợp nhân tạo, mà phụ thuộc nhiều hơn vào “các mô hình tái sinh” để khắc phục những thiệt hại về mặt sinh thái do việc lạm dụng hóa chất gây ra.

Ông Kempf khẳng định: “Ngày nay, chúng ta có tất cả các công cụ cần thiết để thực hiện các mô hình đó.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: