Theo AP đưa tin, ngày 3/2/2017, Tổng thống Donald Trump đã kí lệnh cho Bộ trưởng Ngân khố xem xét lại đạo luật Dodd-Frank năm 2010 trong lĩnh vực tài chính.

Ông Obama và Trump gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 10/11/2016 (ảnh: Getty)
Ông Obama và Trump gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 10/11/2016 (ảnh: Getty)

Đây là bước đi đầu tiên của ông Trump trong việc giảm tải quy định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Ông đã gọi đạo luật này là một “thảm họa” và thất bại trong việc nhắm vào một số nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Đạo luật Dodd-Frank là gì?

Đạo luật Dodd-Frank có tên đầy đủ là Dodd-Frank Wall Street Reform and Consumer Protection Act, là một đạo luật dài 2.300 trang được chính quyền Obama thông qua vào năm 2010.

Đạo luật này được đưa ra nhằm phản ứng lại trước cuộc suy thoái tài chính năm 2008, vốn khởi phát từ khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản và sự phá sản của ngân hàng Lehman Brothers 158 tuổi với khối nợ hơn 600 tỷ USD. Một số điều luật đã được đặt ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước việc các ngân hàng lợi dụng khả năng cho vay thế chấp.

Đạo luật này được đặt theo tên của hai chính trị gia Đảng Dân chủ là: Thượng nghị sĩ Chris Dodd và Hạ nghị sĩ Barney Frank.

Dodd-Frank đã trực tiếp dẫn đến chi phí hơn 36 tỉ USD và 73 triệu giờ hành chính để hiện thực hóa các điều luật, theo một báo cáo trên diễn đàn AAF.

Cựu tổng thống Obama đã gọi nó là một cuộc cải cách tài chính quan trọng nhất kể từ những năm 1930. Tuy nhiên, chính quyền Trump lại muốn bãi bỏ đạo luật này.

“Những người đề xướng đạo luật Dodd-Frank hứa hẹn rằng nó sẽ vực dậy nền kinh tế của chúng ta. Nhưng cho đến hiện tại, sau 6 năm, người Mỹ vẫn đang mắc kẹt trong quá trình phục hồi chậm chạp nhất, yếu ớt nhất và nhạt nhẽo nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng”, Donald Trump tuyên bố trên trang web của mình. Việc tổng thống Trump muốn dỡ bỏ đạo luật đã được các ngân hàng hoan nghênh, nhất là những ngân hàng nhỏ vốn bị thiệt hại nhiều nhất từ các chi phí mà đạo luật này yêu cầu.

Kể từ cuộc bầu cử Mỹ, các cổ phiếu tài chính đã cho thấy xu hướng của một nền kinh tế mạnh, ít điều tiết, tăng trưởng của cố phiếu của nhóm định chế tài chính vượt các khu vực kinh tế khác. Chỉ số Nasdaq Community Bank đã tăng 26% kể từ ngày 8/11/2016.

Dodd-Frank-graph

“Chúng tôi rất vui mừng”, ông Jay Sidhu, chủ tịch, giám đốc điều hành Customers Bank, một ngân hàng có trụ sở tại Wyomissing, Pennsylvania, cho biết. “Chính quyền này rất tập trung vào việc đưa ra những điều luật hợp lý”, ông Sidhu phát biểu sau khi tham gia cuộc gặp giữa Trump và các ngân hàng vào ngày 7/12/2016.

Theo ông Sidhu, chính quyền mới sẽ không dỡ bỏ toàn bộ đạo luật, một số phần của nó vẫn cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính không xảy ra. Ông Sidhu cho rằng những luật lệ kém hiệu quả và gây ra nhiều phí tổn sẽ bị loại bỏ nhanh chóng.

“Chúng ta cần luật, chúng ta cần những người làm luật, nhưng chúng ta không cần luật lệ áp đặt quá mức”, ông Sidhu chia sẻ.

Những kẻ bé nhỏ càng trở nên nhỏ bé

Đạo luật Dodd-Frank vốn nhắm vào việc xóa bỏ niềm tin “quá lớn không thể đổ vỡ” của các định chế tài chính lớn. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời làm những ngân hàng nhỏ và người tiêu dùng chịu thiệt hại.

Theo một nghiên cứu của trường quản trị Kennedy thuộc Đại học Harvard, trong khi 5 ngân hàng lớn nhất của Mỹ vẫn đang nắm giữ phần tài sản ngân hàng tương tự như trước khi Dodd-Frank được thông qua, thì những ngân hàng nhỏ (với số tài sản ít hơn 10 tỉ USD) lại đang chịu thiệt hại. Trong đó, những ngân hàng cộng đồng (Community bank) nhỏ nhất đã mất khoảng 20% phần tài sản ngân hàng trong khối tài sản ngân hàng Mỹ mà họ nắm giữ.

Trong khi đó, các ngân hàng cộng đồng hoạt động tại địa phương đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ vì khả năng cho vay tới một lượng lớn người tiêu dùng, các doanh nghiệp nhỏ, với các tài sản thế chấp tại địa phương. Tuy nhiên, các ngân hàng này lại mất khả năng cạnh tranh với các ngân hàng lớn do chi phí hoạt động quá cao bị phát sinh kể từ khi áp dụng đạo luật Dodd-Frank.

Chính quyền Trump sẽ chỉnh sửa lại đạo luật để đảm bảo quyền lợi của các ngân hàng cộng đồng, theo ông Richard Parsons, tác giả cuốn “Broke: America’s Banking System” (Tạm dịch: Phá sản: Hệ thống ngân hàng Mỹ). Là một người đã gắn bó suốt 31 năm với ngân hàng Bank of America, ông Richard cho hay: “Đó quả thật là một ‘cú úp bóng rổ’ ngoạn mục đối với tôi khi chính quyền Trump xử lý gánh nặng của các ngân hàng cộng đồng. Đáng nhẽ nó đã phải được xử lý từ 2 kỳ Quốc hội trước.”

Những yêu cầu luật pháp gia tăng, cùng với yêu cầu về vốn lớn hơn sẽ khiến cho chi phí hoạt động của ngân hàng tăng. Điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng. Những điều luật này cũng làm giảm mức độ đa dạng của các gói sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng.

Điều đó cũng dẫn tới việc các ngân hàng sẽ khó mà sinh lời khi phục vụ những doanh nghiệp nhỏ, theo báo cáo thường niên năm 2015 của ông Robert G. Wilmers, chủ tịch, giám đốc điều hành ngân hàng M&T Bank. “Trong khi tòa bộ nền kinh tế có vẻ như đang tăng trưởng, thì những doanh nghiệp nhỏ, vốn từng là một nguồn sử dụng lao động quan trọng, và là một chỉ tiêu hàng đầu cho sức mạnh của một nền kinh tế, lại chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng”, ông Robert cho hay.

>> Bốn dấu hiệu đã xuất hiện của một cơn bão lớn khủng hoảng tài chính

Việc hợp nhất các ngân hàng cộng đồng đã diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật Dodd-Frank. Theo một nghiên cứu của trường Đại học George Mason, số lượng các ngân hàng cộng đồng đã sụt giảm 14% trong 4 năm từ 2010 đến 2014, do việc hợp nhất và phá sản ngân hàng. Sự sụt giảm đó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường việc làm trong giới ngân hàng. Theo nghiên cứu của tổ chức American Action Forum, việc làm trong các ngân hàng nhỏ và ngân hàng vùng (regional bank) đã giảm sút và thu hẹp, trong khi số lượng nhân viên tại các ngân hàng lớn và các tổ chức luật tài chính đã tăng tới con số hàng chục phần trăm.

Liệu các ngân hàng có an toàn hơn?

Tổng thống Obama ký thông qua đạo luật Dodd-Frank trước sự chứng kiến của các thành viên khác trong Quốc hội tại tòa nhà Ronald Reagan vào ngày 21 tháng 7 năm 2010. (ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images)
Tổng thống Obama ký thông qua đạo luật Dodd-Frank trước sự chứng kiến của các thành viên khác trong Quốc hội tại tòa nhà Ronald Reagan vào ngày 21 tháng 7 năm 2010. (ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Nhằm giảm thiểu rủi ro tại các định chế tài chính lớn, các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ (vốn cổ phần bắt buộc) và giảm tỷ lệ đòn bẩy (leverage).

Trong bài phát biểu tại Đại học Georgetown vào ngày 5/12/2016, cựu phó tổng thống Joe Biden đã phản hồi lại các chỉ trích và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ cho đạo luật Dodd-Frank tiếp tục được thực thi trong thời của chính quyền Trump. Ông Joe Biden nói: “Dodd-Frank là trung tâm của kế hoạch giúp bình ổn hệ thống tài chính và ngăn chặn một thảm họa mới. Khu vực tài chính đã ổn định nhanh hơn những gì mà các nhà phê bình nghĩ, giúp cho thương mại của Mỹ hồi phục”.

Mặc dù các nhà băng đã có nguồn vốn lớn hơn, nhưng cách thị trường tài chính nhìn nhận về đạo luật lại hoàn toàn khác. Các chuyên gia tài chính cho rằng đạo luật đã tăng các chi phí hoạt động và gây ảnh hưởng không tốt tới nền kinh tế.

Tất nhiên, các điều luật sẽ đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế ổn định, theo Thomas Vartanian, thành viên hãng luật Dechert LLP, cố vấn pháp lý cho “Hội đồng liên bang nhà cho vay ngân hàng” FHLBB và “Liên bang tiết kiệm & Tổng công ty bảo hiểm khoản vay” FSLIC dưới thời chính quyền Reagan. Tuy nhiên theo ông Vartanian, mức độ can thiệp của luật cần phải được xem xét lại để có được sự cân bằng thích hợp giữa việc ngăn chặn suy thoái và việc ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế trong dài hạn.

Một số nhà phê bình cho rằng đạo luật Dodd-Frank đã không loại bỏ được các giao dịch ngân hàng rủi ro. Ví dụ như điều khoản Volcker trong đạo luật đã cấm các ngân hàng tham dự vào việc giao dịch quyền sở hữu, và hạn chế liên hệ giữa các ngân hàng với các quỹ đầu tư thanh khoản và các quỹ riêng khác.

Tuy nhiên, 5 ngân hàng lớn nhất là JPMorgan Chase, Wells Fargo, Bank of America, Citigroup, và U.S. Bancorp lại có liên hệ phụ thuộc với các quỹ phòng ngừa rủi ro (hedge fund) và các khách hàng là các hãng góp vốn tư nhân (còn gọi là quỹ cổ phần riêng, đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết), theo Robert G. Wilmers, chủ tịch, giám đốc điều hành ngân hàng M&T Bank. Những quỹ này phụ thuộc vào bảng cân đối của các ngân hàng lớn để tăng tỷ lệ đòn bẩy và tăng doanh thu – họ trả cho các định chế tài chính này mức phí rất lớn.

Một cựu giám đốc ngân hàng trong một hãng góp vốn tư nhân mong muốn giấu tên cho biết, các ngân hàng, các quỹ phòng ngừa rủi ro, và các hãng góp vốn tư nhân đang sử dụng những gói sản phẩm dịch vụ trá hình dưới một hệ thống phức tạp, thứ mà đạo luật Dodd-Frank đáng lẽ đã phải xóa bỏ được. Ông chia sẻ: “Chúng không hề biến mất; chúng chỉ trở nên phức tạp hơn để lẩn tránh luật pháp. Họ sẽ trả rất nhiều tiền cho luật sư và cố vấn để kiến tạo những giao dịch này”.

Ông Richard Parsons, tác giả cuốn “Broke: America’s Banking System” đã đề cập đến ở trên, cũng cho rằng luận điểm này có thể là sự thực.

Anat Admati, giáo sư kinh tế tài chính tại Đại học Stanford cho hay, đạo luật Dodd-Frank quá phức tạp nhưng tính hữu hiệu trong thực thi của nó lại không tương xứng. Chính vì thế, hệ thống tài chính vẫn thực sự rui ro không hữu hiệu. Nguyên nhân nằm ở sự chi tiết hóa quá mức cần thiết.

Đạo luật Dodd-Frank cũng bị phê bình là đã phức tạp hóa hơn nữa hệ thống tài chính và khuôn khổ pháp lý của hệ thống này, vốn đã rất phức tạp và rối rắm tại Mỹ.

“Mỹ, không nghi ngờ gì nữa, là nước có khuôn khổ pháp lý ngân hàng tồi nhất thế giới”, Richard Parsons bình luận. Ông cho rằng vấn đề này có thể được giải quyết bởi chính quyền mới của Trump, nhưng “đây là một công việc nặng nề, và nó đòi hỏi những bộ óc tài ba nhất nước Mỹ. Giải quyết được nó sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế trong dài hạn”.

Theo Epoch Times, AP
Quang Minh tổng hợp

Xem thêm: