Tại Đại hội cổ đông bất thường tổ chức hôm 2/7, ông Lê Bá Nguyên được bầu làm Chủ tịch Tập đoàn FLC, thay ông Trịnh Văn Quyết đã bị bắt trước đó với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Tập đoàn FLC, FLC chậm công bố thông tin, FLC công bố thông tin cải chính
Trụ sở Tập đoàn FLC tại Hà Nội đã bị gán nợ cho ngân hàng OCB từ năm 2020. (Ảnh chụp màn hình: vtc.gov.vn)

Sau khi tổ chức bất thành đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ nhất vào giữa tháng 6, hôm 2/7 Tập đoàn FLC đã hoàn thành việc tổ chức đại hội lần hai.

Trong kỳ đại hội này, cổ đông FLC thống nhất bầu ông Lê Bá Nguyên trở thành tân chủ tịch của Tập đoàn FLC, thay vị trí của ông Trịnh Văn Quyết từng đảm nhiệm trước đây. Theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyên là anh ruột của bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ của ông Quyết).

Bên cạnh đó, bà Bùi Hải Huyền được giữ chức phó chủ tịch thường trực và ông Đặng Tất Thắng giữ chức phó chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC trong nhiệm kỳ từ năm 2021 – 2026.

Ngoài ra, đại hội cũng bầu bổ sung thêm ba thành viên vào hội đồng quản trị gồm ông Lê Bá Nguyên, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm.

Theo giới thiệu tại đại hội, ông Lê Bá Nguyên (sinh năm 1977) tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản lý y tế. Ông cũng từng giữ chức chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ y tế Hà Thành, Công ty CP Tập đoàn dược phẩm ATS và từng là thành viên HĐQT Tập đoàn FLC từ năm 2013 đến tháng 10/2017.

Chốt phiên giao dịch gần nhất (ngày 1/7), cổ phiếu FLC giá 5.800 đồng/đơn vị, tương đương tăng 17% trong vòng một tuần gần nhất, nhưng giảm hơn 74% so với đỉnh lập vào hồi tháng 1 (22.550 đồng/cổ phiếu).

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) yêu cầu Tập đoàn FLC báo cáo nguyên nhân về việc cổ phiếu FLC tăng trần 5 phiên giao dịch liên tiếp từ ngày 22/6-28/6/2022.

Trả lời vấn đề này, FLC gửi văn bản số 385 đến UBCKNN và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, cho biết chưa rõ nguyên nhân vì sao cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Tập đoàn này cho rằng cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cần điều tra nguyên nhân để xác định lý do và doanh nghiệp sẽ phối hợp cung cấp thông tin trong những tình huống cụ thể.

Ở diễn biến khác, Hội đồng quản trị của Tập đoàn FLC đã thông qua việc thế chấp khu biệt thự nhà ở thuộc khu phức hợp ở huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, nhiều nhà đầu tư bất ngờ trước thông tin tòa nhà 42 tầng FLC Twin Towers nằm tại khu đất “vàng” Cầu Giấy (Hà Nội), vốn là trụ sở chính của Tập đoàn FLC, đã bị gán nợ cho ngân hàng OCB từ năm 2020, thay thế nghĩa vụ trả nợ cho Tập đoàn FLC, FLCHomes, Bamboo Airways, Đầu tư và khoáng sản FLC Stone (mã AMD) và Xây dựng FLC Faros (mã ROS).

Đức Minh