Ông Phạm Nhật Vượng vừa có thông báo về việc chuyển nhượng hơn 50 triệu cổ phần của Tập đoàn Vingroup (mã VIC) để thành 95% vốn góp của Công ty mới thành lập GSM (cho thuê xe điện). Giá trị khoản vốn góp tương đương 2.850 tỷ đồng.

vinfast VF8 VFe34 xe dien vin fast vingroup cong ty GSM 2161998805
Công ty GSM sẽ cho thuê dòng xe điện do VinFast sản xuất. (Ảnh minh họa: NamLong Nguyen/Shutterstock)

Theo đó, ông Vượng hiện đang sở hữu 19,18% cổ phần của Tập đoàn Vingroup, tương đương 742 triệu cổ phiếu VIC. Sau thương vụ chuyển nhượng nói trên, tỷ lệ ông Vượng nắm giữ cổ phần giảm xuống tương ứng còn 17,87% vốn (691,2 triệu đơn vị).

Được biết, Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM do ông Vượng thành lập hôm 6/3 và góp 95% vốn thông qua chuyển nhượng cổ phần từ Tập đoàn Vingroup.

Công ty GSM hoạt động trong lĩnh vực cho thuê xe điện và taxi điện, sử dụng dòng xe của VinFast sản xuất.

Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng cũng đã dùng 243 triệu cổ phiếu Tập đoàn Vingroup, được định giá ở mức 16.200 tỷ đồng để góp vốn thành lập Công ty Quản lý và đầu tư bất động sản VMI.

Giữa tháng 2/2023, hãng Bloomberg đưa tin, trong thời gian tới ông Vượng (chủ sở hữu hãng xe VinFast) chưa có kế hoạch đầu tư thêm tiền vào công ty này. Vấn đề trở nên thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong bối cảnh VinFast lỗ lũy kế hơn 2,8 tỷ USD từ năm 2021 – quý 3/2022 và đang kỳ vọng huy động vốn IPO để xây nhà máy tại Mỹ.

Bloomberg cũng nhận định rằng, nếu để việc xây dựng nhà máy bị trì hoãn càng lâu, VinFast sẽ làm chậm trễ cơ hội nhận khoản trợ cấp năng lượng sạch trị giá 7.500 USD/xe của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Hôm 10/3, VinFast cho biết họ sẽ lùi kế hoạch bắt đầu hoạt động của nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ cho đến năm 2025, với lý do chậm trễ về thủ tục.

Cùng khoảng thời gian này, hãng xe VinFast cho biết đã bàn giao 45 xe đầu tiên cho các khách hàng ở bang California, Mỹ trong lô 999 chiếc được vận chuyển đến thị trường này vào tháng 12/2022.

Đức Minh