Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa bơm thêm lượng tiền kỷ lục vào hệ thống trong bối cảnh nền kinh tế đang bị suy giảm do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Dấu hiệu mà theo giới phân tích là ngân hàng nước này đang phải tạm gạt mục tiêu kìm giữ nợ công để chuyển dịch từ chính sách thắt chặt sang nới lỏng tiền tệ nhằm cứu vãn kinh tế.

Nhan dan te
(Ảnh minh họa: VCG qua Getty Images)

Ngày 23/7, PBOC vừa thực hiện bơm vào thị trường 502 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 74 tỷ USD) thông qua các khoản vay có kỳ hạn 1 năm cho các ngân hàng lớn trên thị trường mở. Đây là lượng giải ngân lớn nhất kể từ ​​khi công cụ cho vay trung hạn (Medium-Term Lending Facility) ra đời vào năm 2014.

Động thái của PBOC đưa ra trong bối cảnh quan hệ thương mại với Mỹ ngày càng xấu đi và tác động giảm xóc tăng trưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ trong nhiều năm nhằm kiềm chế nợ công, cả hai yếu tố đều thêm vào dấu hiệu cho thấy PBOC đang áp dụng lập trường nới lỏng chính sách tiền tệ, mặc dù ngân hàng nước này chưa công bố chính thức về một sự dịch chuyển nào từ chính sách “thận trọng và trung lập”. 

“Với quy mô khổng lồ của đợt bơm thanh khoản sáng nay và theo các báo cáo được công bố tuần trước rằng PBOC đã yêu cầu các ngân hàng đầu tư nhiều hơn vào các trái phiếu doanh nghiệp có mức xếp hạng thấp hơn để đổi lấy nguồn vốn, rõ ràng PBOC đang chuyển từ chính sách tiền tệ trung lập sang nới lỏng chính sách tiền tệ”, Ming Ming, chuyên gia của công ty chứng khoán Citic ở Bắc Kinh cho hay.

Theo ông Ming, PBOC muốn giảm bớt những ảnh hưởng từ đợt thắt chặt tín dụng trước đó, và ông dự đoán PBOC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1 hoặc 2 lần nữa trong năm nay. Lần cắt giảm tiếp theo sẽ xảy ra trong quý 3 này.

Trong những tháng gần đây, PBOC đã tập trung vào việc tăng tính thanh khoản trên thị trường với mục tiêu giảm áp lực tài chính cho khu vực tư nhân, nơi các công ty có truyền thống phải đối mặt với rào cản tiếp cận tín dụng cao hơn. Tổng cộng đã có 3 đợt điều chỉnh cắt giảm dự trữ bắt buộc trong năm nay.

“Kinh tế Trung Quốc hiện đang rất nhạy cảm với bất kỳ sự bất ổn nào trong hệ thống tài chính”, Lu Ting, trưởng nhóm phân tích kinh tế Trung Quốc tại Nomura International (Hồng Kông) cho biết. “Các nhà hoạch định chính sách đang điều chỉnh tốc độ, phạm vi và quy mô của các đòn bẩy tài chính.”

Điều chỉnh chính sách do chiến tranh thương mại

Trung Quốc đang phải xem xét điều chỉnh chính sách tiền tệ do những ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng căng thẳng thương mại với Mỹ cũng như từ chiến dịch giảm nợ. Giới phân tích nhận định Trung Quốc sẽ chờ đến cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao vào cuối tháng 7 mới chính thức thông báo thay đổi chính sách tiền tệ.

Theo Nie Wen, chuyên gia kinh tế của Huabao Trust (Thượng Hải), Trung Quốc vẫn đang ở “giai đoạn đầu” của nới lỏng tiền tệ, và vẫn có dư địa để cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sâu hơn nữa, thêm khoảng 8 – 10%.

“PBOC kỳ vọng có thể xoa dịu tình hình khan hiếm tín dụng càng sớm càng tốt, trong khi vẫn phải đảm bảo không làm cản trở quá nhiều đến tiến trình giảm nợ. Tuy nhiên, PBOC sẽ phải cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu việc bơm lượng lớn tiền qua kênh MLF không đạt được hiệu quả mong muốn”, ông Nie Wen nói.

Chỉ số số nhân tiền tệ – tính bằng cách lấy tổng cung tiền chia cho lượng cung tiền cơ sở – đã giảm xuống mức 5,56 lần trong tháng 6 sau khi tăng lên mức cao kỷ lục 5,72 lần trong tháng 5.

Đây là chỉ số thể hiện tốc độ giải ngân của các ngân hàng, diễn biến này cho thấy các ngân hàng Trung Quốc vẫn đang lưỡng lự trong việc chuyển lượng tiền được cung cấp bởi PBOC thành các khoản vay cho nền kinh tế thực.

“Điều kiện thanh khoản không phải là khó khăn cho việc mở rộng tín dụng, chỉ có điều chỉnh chính sách một cách “dứt khoát và đồng bộ” trên mặt trận tiền tệ, tài chính, và quy định mới có thể giúp trung hòa các điều kiện tiền tệ”, Eva Yi, chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc (CICC) viết trong một báo cáo.

Theo Bloomberg,
Tường Văn

Xem thêm: