Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Mỹ (PCAOB) cho biết vào hôm 15/12, lần đầu tiên cơ quan này được quyền tiếp cận đầy đủ vào các Công ty Kế toán ở Trung Quốc, sau nhiều năm bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngăn chặn. Việc này diễn ra nhờ vào Đạo luật trách nhiệm giải trình về các công ty nước ngoài nắm giữ năm 2020, ban hành dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

cong ty trung quoc my kiem tra trung quoc 2108080049
Các Công ty Trung Quốc khó có thể tránh né việc minh bạch tài chính nếu muốn tiếp tục niêm yết tại Mỹ. (Ảnh minh họa: Dilok Klaisataporn/Shutterstock)

Thông tin trên đồng nghĩa có khoảng 200 công ty Trung Quốc, bao gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, sẽ ít có rủi ro bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ như trước đó.

“Lần đầu tiên từ trước đến nay, PCAOB đã đảm bảo quyền tiếp cận hoàn toàn để kiểm tra và điều tra các Công ty Kế toán công đăng ký có trụ sở chính tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông”, Chủ tịch PCAOB Erica Williams cho biết trong một tuyên bố.

Việc này cũng mở ra một chương mới trong cuộc đấu tranh giữa chính quyền ĐCSTQ và các đối tác phương Tây về tính minh bạch và ý nghĩa an ninh quốc gia của các mối liên hệ của chế độ cộng sản với thị trường Mỹ.

Washington và Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào tháng 8 để giải quyết tranh chấp kéo dài về việc tuân thủ kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Các nhà chức trách ở Trung Quốc từ lâu đã phản đối việc cho phép các cơ quan quản lý nước ngoài kiểm tra các công ty kế toán địa phương, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Thỏa thuận này cho phép PCAOB tiếp cận đầy đủ các giấy tờ làm việc kiểm toán của Trung Quốc mà không cần biên tập, quyền lấy lời khai từ nhân viên công ty kiểm toán ở Trung Quốc và toàn quyền quyết định lựa chọn công ty mà họ kiểm tra.

Chủ tịch PCAOB cho biết tiến trình sẽ không thể đạt được nếu không có Đạo luật trách nhiệm giải trình về các công ty nước ngoài nắm giữ năm 2020, yêu cầu các công ty niêm yết công khai trên thị trường Mỹ phải tiết lộ thông tin kiểm tra từ các khu vực pháp lý nước ngoài, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm giao dịch.

Bà Williams nói: “Quyền tiếp cận mang tính lịch sử và chưa từng có này chỉ có thể thực hiện được nhờ đòn bẩy mà Quốc hội Mỹ tạo ra bằng cách thông qua Đạo luật chịu trách nhiệm về các công ty nước ngoài nắm giữ”.

Bên cạnh đó, PCAOB đã thực hiện quyết định riêng của mình để chọn các công ty để kiểm toán và chọn KPMG Huazhen ở Trung Quốc và PricewaterhouseCoopers ở Hồng Kông.

“Nếu chính quyền Trung Quốc cản trở hoặc không tạo điều kiện cho PCAOB tiếp cận, bằng bất kỳ cách nào và tại bất kỳ thời điểm nào trong tương lai, Hội đồng sẽ hành động ngay lập tức để xem xét sự cần thiết phải ban hành một quyết định mới”, bà Williams khẳng định.

Trước áp lực của Đạo luật nói trên, vào tháng 8/2022, 5 công ty lớn gồm: Tập đoàn dầu khí Sinopec, Công ty bảo hiểm nhân thọ China Life Insurance, Tập đoàn nhôm Aluminium, Công ty xăng dầu PetroChina và Công ty Sinopec Thượng Hải đã hủy niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ.

TS Tạ Điền cho hay: “Không thể nào trong cùng một ngày mà những công ty này đều nói rằng chúng tôi nên hủy niêm yết. Chúng ta đều biết 5 doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ do Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước phụ trách. Cho nên việc hủy niêm yết phải là một yêu cầu thống nhất từ ​​các cấp trên của ĐCSTQ”.

Nhiều người có thể cho rằng 5 doanh nghiệp này có thể đã phải chịu áp lực từ cuộc kiểm toán của Mỹ. Tuy nhiên, TS Tạ Điền có cách nhìn khác: “Tôi nghĩ trước tiên, chúng ta biết rằng Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) hiện sẽ tăng cường giám sát và yêu cầu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ phải minh bạch về báo cáo tài chính và khai báo của họ. Bản thân hoạt động này cũng giống như đối với nhiều công ty tư nhân khác”.

Ông Điền noi thêm: “Các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc đều là do giới quyền quý của ĐCSTQ đứng sau nắm giữ, cổ phần và lợi ích của họ nằm trong đó. Do đó, nếu hoàn toàn công bố minh bạch, thì sẽ cho mọi người biết ai đứng sau thao túng và ai là chủ sở hữu thực sự”.

Nhất Tín, theo Epoch Times và Vision Times