Kể từ đầu năm nay, lạm phát ở Hoa Kỳ và châu Âu đã lên mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Đến nay, đợt lạm phát này đã kết thúc hay chưa? Nói cách khác, phải chăng lạm phát trong năm nay mới chỉ là sự khởi đầu của một chu kỳ lạm phát mới? Đây là một vấn đề rất quan trọng.

(Bài viết của Như Tùng, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

shutterstock 189201107
(Nguồn: Xtock/ Shutterstock)

Chính phủ Mỹ đang liên kết với các nước nhập khẩu dầu thô giải phóng dự trữ dầu để kìm hãm lạm phát. Người dân thời này khá tin vào “khả năng” của chính phủ.  Điều này khiến một số người cho rằng đợt lạm phát này có lẽ đã đến giai đoạn kết thúc. Liệu kỳ vọng này có thể tiếp nhận được hay không?

Thứ nhất, vấn đề nguồn cung vẫn còn dai dẳng

Kể từ quý 3, căn nguyên của sự gia tăng nhanh chóng giá khí đốt tự nhiên quốc tế, than đá, dầu thô và các nguồn năng lượng hóa thạch khác là do đâu?

Ngày nay, một vài số liệu về ngành năng lượng hóa thạch đã dần trở nên rõ ràng.

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng mạnh trong năm nay. Gazprom, một doanh nghiệp nhà nước độc quyền xuất khẩu khí đốt tự nhiên theo đường ống của Nga, cho biết công ty này đang hoàn thành tất cả các hợp đồng dài hạn. Hơn nữa các tổ chức liên quan của châu Âu cũng xác nhận rằng các nghĩa vụ theo hợp đồng thực sự đã được hoàn thành.

Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy, từ tháng 9, tháng 10 và tháng 11 đến nay, khối lượng truyền tải khí đốt trung bình hàng ngày của Nga và khối lượng khí đốt được gửi đến châu Âu qua bán đảo Yamal, Nord Stream 1 (Bắc Hải lưu 1) (xuất khẩu trực tiếp sang Đức) và 3 đường ống chính của Ukraine, so với cùng kỳ năm trước biến động khá ít. Sản lượng truyền tải khí đốt tháng 11 vẫn ở mức cao hơn một chút so với mức bình quân tháng 11/2020.

Điều này có vẻ bình thường, nhưng suy nghĩ sâu xa sẽ nhận thấy điều bất thường trong đó. Vào năm 2020, do đại dịch viêm phổi Vũ Hán hoàn hành khắp thế giới, nhu cầu năng lượng của châu Âu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sự phục hồi kinh tế năm nay của châu Âu đã thúc đẩy nhu cầu năng lượng phục hồi. Do đó việc sản lượng truyền khí đốt năm nay so với năm ngoái là không hợp lý, so với năm 2019 mới hợp lý. Kết quả so sánh là lượng khí truyền tải kể từ tháng 11 năm nay thấp hơn khoảng 40% so với mức trung bình vào tháng 11/2019. Cùng với sự sụt giảm sản lượng điện từ gió và mặt trời ở châu Âu trong năm nay, có lẽ đây mới là căn nguyên cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên của châu Âu.

Phải chăng Nga cố tình thu hẹp nguồn cung sản lượng truyền tải khí đốt cho châu Âu? Khả năng này xuất phát từ việc Nga sử dụng việc này nhằm gây sức ép với châu Âu và nỗ lực mở đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 càng sớm càng tốt.

Nhưng lý do này có lẽ không phải là toàn bộ câu chuyện. Để thu hẹp một lượng lớn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên như vậy, thì việc Nga dự trữ khí đốt tự nhiên như thế nào đã trở thành một vấn đề lớn.

Đồng thời, nếu Nga hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu với biên độ lớn như vậy, các quốc gia khác sẽ chiếm lấy thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu khi nguồn khí đốt tự nhiên toàn cầu thừa thãi. Đối với Nga mà nói, chuyện này rõ ràng là cái được chẳng thể bù cho cái mất.

Do đó, nguyên nhân sâu xa là do mối quan hệ cung cầu trên thị trường khí đốt tự nhiên quốc tế có vấn đề.

Trong những năm gần đây, Nga liên tục mở rộng thị trường châu Á và đặt đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên sang châu Á. Nhưng sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề, việc đầu tư vào khai thác dầu khí bị thiếu hụt nghiêm trọng, khiến sản lượng mới rất ít.

Khi nền kinh tế Á-Âu phục hồi sẽ không thể để tâm đến mức tăng trưởng nhu cầu tương đối ở châu Âu vào năm 2020. Đồng thời, Nga cũng tiết chế nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên sang châu Á và mở rộng sự thiếu hụt khí đốt ở châu Âu. Điều này có thể gây áp lực lên châu Âu, nhân đó Nga có thể khai thông đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 càng sớm càng tốt.

Do đó, cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở châu Âu là kết quả của tác động kép, nhưng tác động sau chỉ là việc lợi dụng xu thế mà thôi.

Hiện tượng không đủ đầu tư vào thăm dò và không đủ sản lượng mới đang phổ biến trên khắp thế giới. Vì vậy các quốc gia khác đã không thể chiếm được thị trường châu Âu khi cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên nổ ra.

Thị trường than ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng vậy.

Do nguồn cung than thiếu hụt, Trung Quốc đã liên tục cắt điện trong năm nay. Vào tháng 9, mâu thuẫn cung cầu bắt đầu trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến việc cắt giảm điện gia tăng. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc có sự kiểm soát chặt chẽ đối với giá thị trường, và giá than giao sau đã nhanh chóng quay trở lại xuất phát điểm ban đầu.

Dù có thể kiểm soát giá bằng sức mạnh hành chính, nhưng sự thiếu hụt cung cầu trên thị trường thực rất khó kiểm soát. Nếu chính phủ muốn đảm bảo nguồn cung than nhiệt điện sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt trong các ngành khác, như ngành thép, phân bón, nhôm điện phân, v.v.

Có thông tin cho rằng việc thông quan nhập khẩu than của Úc đã được khởi động trở lại. Điều này phản ánh sâu sắc tình hình thực tế của thị trường than giao ngay không đủ cung. Theo báo cáo, tình trạng thiếu hụt nguồn cung than ở Ấn Độ thậm chí còn tồi tệ hơn ở Trung Quốc. Do đó, vấn đề than cũng là một vấn đề về nguồn cung.

Thị trường dầu mỏ cũng tương tự như thị trường khí đốt tự nhiên. Kể từ tháng 11, Hoa Kỳ tiếp tục gây áp lực buộc OPEC + (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) phải tăng sản lượng khai thác dầu, với hy vọng hạ nhiệt giá dầu đang tăng vọt.

Nhưng mọi người chợt nhận ra một vấn đề mới ở nhóm các nước sản xuất dầu này: Ngay cả khi muốn tăng sản lượng, họ cũng không có mấy năng lực sản xuất thêm.

OPEC + đã thiết lập giới hạn nguồn cung kỷ lục khi nhu cầu thu hẹp vào năm 2020. Điều này đã làm giảm năng lực sản xuất khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, tức là giảm 10 triệu thùng mỗi ngày.

Quá trình sản xuất dầu không giống như nước máy. Mở vòi là có nước, vặn ngược lại là đóng. Một giếng dầu sau khi đóng lại, có thể bị bỏ hoang do nhiều nguyên nhân như bị thấm nước. Muốn đưa vào sản xuất trở lại thì phải đầu tư mới và cần có thời gian nhất định. Do vậy đã xảy ra hiện tượng sau:

Mặc dù Hoa Kỳ tiếp tục gây áp lực tăng sản lượng, nhưng OPEC + vẫn không sẵn sàng thỏa hiệp với áp lực này. Họ kiên quyết với kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng / ngày kể từ tháng 8. Tuy nhiên, OPEC + đã không đạt được mục tiêu tăng sản lượng đặt ra trong tháng 8.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng của OPEC + trong tháng 9 và tháng 10 thấp hơn kế hoạch 700.000 thùng / ngày. Công ty tư vấn Energy Aspects tin rằng: “Dữ liệu gần đây hỗ trợ kỳ vọng dài hạn của chúng ta rằng ngày càng nhiều quốc gia thành viên (OPEC +) đang cạn kiệt năng lượng dự phòng.”

Nguyên nhân sâu xa của sự thiếu hụt nguồn cung đã được đề cập ở trên. Đó là sự sụt giảm liên tục về quy mô đầu tư thăm dò khai thác dầu khí toàn cầu kể từ năm 2014.

Vào năm 2020, các hạn chế sản xuất mang tính lịch sử của OPEC + đã bất ngờ làm tình hình cung cầu trở nên tồi tệ hơn.

Sản xuất dầu khí là một ngành công nghiệp lâu dài, cần tuân theo chu trình “tăng cường đầu tư thăm dò – tìm kiếm tài nguyên – xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng mỏ dầu khí”, cuối cùng mới là bắt đầu sản xuất. Nghĩa là để cải thiện tình trạng mất cân đối cung cầu này cần có một khoảng thời gian nhất định. Nhưng tiền đề là phải tăng cường đầu tư thăm dò ngay từ bây giờ.

Tuy nhiên hiện nay chính phủ các nước vẫn đang đàn áp các hoạt động đầu tư, có lẽ bạn nghĩ điều này thật khó tin nhưng đó lại là sự thật!

Các quốc gia lớn của phương Đông đang sử dụng các biện pháp hành chính để kìm giá than và về cơ bản đã đưa giá than trở lại mức ban đầu.

Vì giá đã được chính phủ kiểm soát chặt chẽ, các công ty không có cách nào để kiểm soát rủi ro đầu tư. Vậy nên tất nhiên họ sẽ không dám tăng đầu tư vào quá trình thăm dò, và sản lượng trong tương lai sẽ khó có thể tăng trưởng.

Đây là một vấn đề nghiêm trọng do chính sách kiểm soát giá gây ra. Cách làm của châu Âu và châu Mỹ thậm chí còn tồi tệ hơn. Khi Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 tại thành phố Glasgow của Scotland vừa kết thúc, các nguồn năng lượng truyền thống hầu như bị chỉ trích như một thứ xấu xa. Vậy thì còn ai dám tăng đầu tư vào lĩnh vực này?

Đến nỗi một số công ty dầu khí nổi tiếng quốc tế vẫn tiếp tục bán tài sản dầu khí khi giá dầu đang tăng, thì nói gì đến việc tăng cường đầu tư thăm dò.

Ngay cả ngân hàng cũng góp sóng thành bão trong chuyện này. Họ cao giọng nói rằng đầu tư (vào dầu khí) đang bị cản trở bởi các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), cũng như những lo ngại về sự nóng lên toàn cầu. Vậy nên, lãi suất ngân hàng cho các khoản vay về dầu khí cao hơn hẳn so với các dự án xanh.

Việc phát triển năng lượng mới chắc chắn là điều đúng đắn, cá nhân tôi cũng kiên quyết ủng hộ điều đó. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này là một hành trình lâu dài, cần có sự chuyển đổi suôn sẻ, thông qua sự cạnh tranh giữa năng lượng truyền thống và năng lượng mới.

Đây không phải chuyện một sớm một chiều. Nếu chính phủ sử dụng các biện pháp hành chính hoặc thậm chí các biện pháp đúng đắn chính trị để trấn áp các hoạt động đầu tư năng lượng truyền thống (nhằm thúc đẩy sự phát triển của năng lượng mới), thì điều này chắc chắn sẽ dẫn đến các cuộc khủng hoảng năng lượng.

Vào năm 2006, giá dầu quốc tế đạt 80 USD/thùng. 80 USD/thùng vào thời điểm đó tương đương với 112 USD/thùng ngày nay. Ngược lại, 80 USD/thùng ngày nay trên thực tế chỉ tương đương với 57 USD/thùng của năm 2006. Với mức giá thực tế như vậy, tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư thăm dò dầu khí vốn đã rất thấp (các mỏ dầu giá rẻ ngày càng hiếm, và chi phí thăm dò ngày càng tăng).

Trước tình hình này, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu liên kết với các nước nhập khẩu dầu để bán phá giá dầu dự trữ nhằm hạ giá thành (lượng bán phá giá xấp xỉ sản lượng 17 giờ tiêu thụ của toàn cầu). Trên thực tế điều này đang tiếp tục đàn áp hoạt động thăm dò và đầu tư dầu khí. Chính quyền Biden đang tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn.

(Ngoài ra, chí ít cá nhân tôi cũng rất nghi ngờ việc chính quyền Biden vội vàng bán phá giá dầu tại thời điểm hiện nay. Họ nhận thấy OPEC + không thể hoàn thành kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 8 và công suất dự phòng đang cạn kiệt, nên đã làm vậy để tránh thị trường dầu thô lập tức đi theo thị trường than và khí đốt tự nhiên rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nói cách khác, việc Mỹ bán phá giá dầu dự trữ là một dấu hiệu cho thấy thị trường dầu khí đã xấu đi.)

Gần đây, nguyên nhân khiến giá dầu quốc tế được điều chỉnh ở một mức độ nhất định, có nhiều khả năng là do dịch bệnh ở châu Âu. Trong khi tác động của việc bán phá giá dự trữ ở Hoa Kỳ và các nước khác, rất có thể chỉ là yếu tố phụ. Tác động của việc bán phá giá dự trữ dầu cũng chỉ có tác động tạm thời đến giá dầu quốc tế.

Hiện tại, châu Âu và Hoa Kỳ chủ yếu là do phe cánh tả nắm quyền. Việc phát triển năng lượng mới được họ coi là đúng đắn chính trị. Chỉ khi giá dầu cao thì các dự án năng lượng đó mới có thể sinh lời và nguồn năng lượng mới này mới có thể phát triển tương đối nhanh chóng. Đây là lý do sâu xa khiến họ liên tiếp đàn áp các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.

Dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và năng lượng than là bảo đảm cơ bản cho phía cung của các hoạt động kinh tế toàn cầu, là “huyết mạch” của các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp. Đồng thời chúng cũng quyết định giá thành cung ứng hàng hóa. Những gì diễn ra trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc ngày nay, đã thực sự cho chúng ta biết rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng đang thúc đẩy giá của tất cả các mặt hàng.

Trung Quốc liên tục cắt điện từ đầu năm nay. Đây là biểu hiện bên ngoài của cuộc khủng hoảng năng lượng (khủng hoảng than). Lúc này, bất kỳ chính phủ nào cũng sẽ cố gắng đảm bảo nhu cầu sử dụng điện của người dân, để ổn định xã hội. Nếu không sẽ có vô số thành phố ngay lập tức bãi công.

Kết quả trực tiếp của việc này là năng lực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là năng lực sản xuất của các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và năng lực xuất khẩu đã bị kìm hãm. Hiện tượng này đã được phản ánh trong xuất khẩu năm nay của Trung Quốc.

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay là 2,7 nghìn tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu trong tháng 10 là 300,22 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty chứng khoán Ping An (Bình An) Securities đã sử dụng chỉ số giá xuất nhập khẩu để phân tích khối lượng và giá cả của dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc.

Kết quả cho thấy, trong tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc từ tháng 7 đến tháng 9, sản lượng đóng góp giảm từ 30% trong nửa đầu năm xuống còn khoảng 16%.

Công ty chứng khoán Guosheng (Quốc Thịnh) Securities cũng cho biết, sản lượng xuất khẩu cao hơn dự kiến ​​trước tháng 5, chủ yếu là do sản lượng xuất khẩu tăng, mức đóng góp cao nhất của giá chỉ chiếm khoảng 40%. Tuy nhiên sản lượng vào tháng 6 lần đầu tiên vượt mức 50% và tăng đến hơn 80% vào tháng 7 và tháng 8.  Trong tháng 9 đã vượt 90%. Vào tháng 10, do một số dữ liệu hàng hóa chưa được công bố đầy đủ, nên ước tính có thể lên tới gần 100%.

Việc thiếu hụt điện dẫn đến năng lực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu bị thu hẹp. Sản lượng xuất khẩu không thể tăng trưởng, chứng tỏ cung không đủ cầu. Điều này sẽ thúc đẩy giá xuất khẩu tăng. Đây là hiện tượng phản ánh trong xuất khẩu của Trung Quốc.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng (khủng hoảng than) tiếp tục được truyền đến giá đầu cuối. Hiện tại, thị trường phân bón quốc tế đang run sợ. Dưới tác động của tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên và than ở châu Âu và châu Á, tỷ lệ hoạt động của các công ty sản xuất urê liên quan đã giảm. Không chỉ giá urê tiếp tục tăng mà nguồn cung urê cũng thiếu hụt.

Trung Quốc là một trong những nguồn cung quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Các nước ở châu Âu và châu Á (Ấn Độ) đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng. Các nước chỉ có thể đảm bảo nhu cầu năng lượng nội bộ của mình, đặc biệt là sau mùa đông.

Năng lực cung cấp và xuất khẩu sẽ sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc. Trong bước tiếp theo, thế giới có khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiều mặt hàng khác nhau (đầu tiên là urê). Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy lạm phát không ngừng leo thang.

Thứ hai, phía cầu đã bắt đầu thu hẹp chưa?

Năng lượng là huyết mạch của các hoạt động kinh tế toàn cầu. Nếu tất cả hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta tiếp xúc, đều là năng lượng tự thân hoặc các dẫn xuất năng lượng, thì cuộc khủng hoảng (thiếu hụt) năng lượng đã trở thành hiện thực. Điều này sẽ kiểm soát nguồn cung toàn cầu.

Hiện tượng trên sẽ dẫn đến những hậu quả sau:

Đầu tiên là lạm phát đình trệ.

Khi nguồn cung bị hạn chế bởi năng lượng và cho thấy sự thiếu hụt, áp lực tăng giá sẽ tiếp tục được truyền đến tất cả các lĩnh vực. Khi lạm phát tiếp tục xấu đi, sức mua của chính phủ, doanh nghiệp hoặc hộ gia đình (thu nhập) sẽ giảm (giá cả tỷ lệ nghịch với sức mua). Phía cầu của các hoạt động kinh tế và tăng trưởng kinh tế sẽ bị kìm hãm. Do đó, nút thắt cung tất yếu sẽ dẫn đến lạm phát đình trệ.

Dự kiến, bắt đầu từ năm tới, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới sẽ rơi vào bẫy của lạm phát đình trệ, và nhiều quốc gia sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Thứ hai, sau quá trình toàn cầu hóa kinh tế, lãi suất thấp trong thời gian dài đã khiến nợ và giá tài sản của các nước tiếp tục tăng cao.

Sự xuất hiện của thời kỳ lạm phát đình trệ đồng nghĩa với lãi suất sẽ tăng lên. Cuối cùng sẽ chọc thủng bong bóng, gây ra khủng hoảng nợ ở các nền kinh tế lớn.

Sự bùng nổ của một cuộc khủng hoảng sẽ phá hủy hoàn toàn bảng cân đối kế toán của các quốc gia. Sau đó sẽ dẫn đến việc thu hẹp đột ngột của nhu cầu toàn cầu (tức là phá hủy nhu cầu), và chấm dứt cuộc khủng hoảng do thiếu hụt nguồn cung năng lượng. (Hiện nay dịch bệnh ở Châu Âu đang leo thang, kéo theo nhu cầu suy giảm, cũng sẽ có tác động hòa hoãn nhất định đối với cuộc khủng hoảng năng lượng.)

Trước khi cuộc khủng hoảng toàn cầu bùng nổ, các nút thắt nguồn cung năng lượng sẽ tiếp tục bùng phát, thúc đẩy lạm phát không ngừng gia tăng.

Tóm lại lạm phát vẫn chưa kết thúc. Có lẽ chúng ta đang đứng trước cánh cổng lớn của siêu lạm phát …

Như Tùng / Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: