Dữ liệu kinh tế mới nhất từ các nhóm nghiên cứu tư nhân cho thấy nền kinh tế Myanmar đang suy sụp nhanh hơn sau cuộc đảo chính ngày 1/2, với nguy cơ lạm phát ngày càng cao, thương mại sụp đổ và nghèo đói gia tăng. Cùng lúc đó, trong những ngày gần đây, quân đội Myanmar tiếp tục thu được hàng triệu đôla từ các cuộc bán đấu giá đá quý, hồng ngọc và ngọc trai kéo dài 10 ngày tại thủ đô, Naypyidaw.

Embed from Getty Images

Trong các báo cáo hàng ngày, truyền thông nhà nước cho biết thu nhập từ việc bán đá quý, ngọc trai và ngọc bích trong cuộc đấu giá vừa chấm dứt hôm thứ Bảy vừa qua lên đến từ 1 triệu đến 6,4 triệu đôla mỗi ngày. Ví dụ, hôm thứ Năm (8/4), chỉ riêng doanh thu bán ngọc bích đã lên tới 9,2 tỷ kyat (6,4 triệu đôla), tờ Nikkei đưa tin.

Các đợt bán đấu giá đá quý thường xuyên được tổ chức bởi các công ty liên kết với các tập đoàn Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL) và Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC) do giới quân sự kiểm soát.

Nêu bật việc giới quân sự nắm giữ các ngành công nghiệp khai khoáng, Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Tư đã bổ sung nhà cung cấp ngọc bích – Tập đoàn Đá quý Myanmar – vào danh sách đen tài chính. Trước đó, chính quyền Mỹ đã chế tài Công ty Hồng ngọc Myanmar, Công ty Cẩm thạch Hoàng gia Myanmar, và Cancri (Công ty Đá quý và Trang sức). Hầu hết tất cả các nhà buôn ngọc và đá quý đều bị giới quân sự và hai Tập đoàn MEHL VÀ MEC kiểm soát.

Từ sau cuộc đảo chính, bạo lực ngày càng leo thang chống lại thường dân không vũ trang, đã khiến hơn 700 người chết và hàng nghìn người bị bỏ tù. Cuộc phản kháng chế độ quân sự trên toàn quốc đã giáng một đòn nặng vào nền kinh tế Myanmar, vốn đã suy yếu bởi những đợt phong tỏa do đại dịch hồi năm ngoái. 

Fitch Solutions, một chi nhánh của công ty xếp hạng toàn cầu Fitch Ratings, hôm 1/4 đã điều chỉnh dự báo cho năm tài chính tới tháng 9 của Myanmar từ tăng trưởng 2% giảm xuống âm 20%,. Fitch dự đoán rằng sẽ có sự suy giảm đáng kể trong hầu hết các chỉ số chính yếu, từ nhập khẩu và đầu tư cho đến tiêu dùng, thu nhập từ thuế và chi tiêu chính phủ…

Ngay cả với mức thấp như vậy, báo cáo cho biết trong bối cảnh lực lượng an ninh tàn sát dân thường và xung đột với các nhóm sắc tộc có vũ trang, rủi ro đối với mức dự báo sửa đổi vẫn còn có thể tăng lên.

“Chắc chắn việc làm cho kinh tế sụp đổ là một chiến lược chủ yếu được những người biểu tình áp dụng,” báo cáo ghi nhận, đề cập đến phong trào bất tuân dân sự đã thúc giục công chức và nhân viên khu vực tư nhân không trở lại làm việc.

“Chúng tôi tin rằng bất ổn xã hội sẽ làm tê liệt tất cả mọi phương diện trong GDP,” Fitch cho biết. “Chúng tôi không thể loại trừ bất cứ kịch bản kinh tế xấu nhất nào.”

 

Dự báo của Fitch rõ ràng vượt  đáng kể dự báo gần đây của Ngân hàng Thế giới về thu hẹp tăng trưởng kinh tế của Myanmar ở mức 10% cho năm nay. Nó cũng phản ánh dự đoán tương tự của các nhà kinh tế tư nhân về một nền kinh tế đang “rơi tự do”.

Trong chú giải Triển vọng Chính sách Vĩ mô, Ngân hàng Thế giới cho biết tình trạng hỗn loạn sẽ làm phức tạp những thách thức đối với phúc lợi hiện tại cho những người nghèo nhất và dễ tổn thương nhất tại Myanmar, và “có thể dẫn đến gia tăng nghèo đói, nguy cơ an ninh lương thực tăng cao, và làm trầm trọng hơn sự cơ cực với những người vốn đã đói nghèo.”

Trong khi nền kinh tế suy sụp sẽ không đem lại cho quân đội một số nguồn thu quan trọng, họ vẫn có thể kiếm tiền từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Myanmar giàu khoáng sản và là nước có trữ lượng lớn ngọc bích, hồng ngọc, cũng như vàng, đồng, thiếc, đá hoa cương và kim loại đất hiếm, cùng các mỏ khí đốt ngoài khơi. Một cuộc điều tra của Tổ chức Giám sát Tham nhũng Toàn cầu ước tính giá trị doanh số của ngành kinh doanh ngọc bích Myanmar lên tới 31 tỷ đôla năm 2014, hay gần một nửa GDP của đất nước. Phần lớn số tiền này thuộc về quân đội và giới tinh hoa khác đang kiểm soát hoạt động buôn bán.

Năm 2016, thị trường xuất khẩu khoáng sản chính của Myanmar là Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ.

Dưới thời chính phủ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã bị lật đổ và chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Thein Sein, mặc dù các đạo luật đã được ban bố để kiểm soát các doanh nghiệp đá quý, ngọc bích và gỗ của Myanmar, nhưng các công ty quân sự vẫn nắm phần lớn lợi ích giao thương trong lĩnh vực này.

Ngoài đá quý, nguồn thu nhập sống còn khác của quân đội là xuất khẩu khí đốt tự nhiên, lên đến 3,3 tỷ đôla vào năm ngoái, theo số liệu thống kê thương mại của Liên Hợp Quốc.

Khí đốt, cùng với xuất khẩu hàng may mặc, là những động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế Myanmar trong giai đoạn 2018-2019 (trước COVID-19), theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

 

Tin Tun Naing, Bộ trưởng Đầu tư và Quan hệ kinh tế Đối ngoại, người được bổ nhiệm bởi các nhà lập pháp bị lật đổ thuộc Uỷ ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), tháng trước đã thúc giục các nhà khai thác dầu khí nước ngoài đình chỉ tất cả các quan hệ với quân đội và tạm hoãn tất cả các khoản thanh toán.

“Các nhà khai thác dầu khí là một nguồn doanh thu quan trọng đối với Myanmar,” ông nói trong một bức thư gửi từ ngày 5/3 cho các công ty dầu khí. “CRPH và tôi có những lo lắng nghiêm trọng rằng những khoản doanh thu thu được từ các nhà khai thác dầu khí có khả năng được sử dụng để duy trì sự cai trị bằng vũ lực của Uỷ ban hành chính quân sự hiện thời và làm giàu cho các lãnh đạo của họ.” 

Total, nhà khai thác hàng đầu tại mỏ khí ngoài khơi Yadana, khẳng định họ sẽ tiếp tục trả thuế và các loại phí khác cho nhà nước để bảo vệ nhân viên khỏi tình trạng lao động cưỡng bức và duy trì nguồn cung cấp điện. Nhưng trước sức ép dư luận, công ty Pháp nói họ sẽ đóng góp khoản tiền tương đương 4 triệu đôla tiền thuế hàng tháng cho các nhóm nhân quyền.

Một báo cáo gần đây của các nhà kinh tế có liên kết với các thực thể tài chính Myanmar đã cảnh báo rằng nền kinh tế sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các lĩnh lực mà quân đội và các công ty chi nhánh của họ giữ vị trí thống trị trên thị trường, cụ thể là dầu khí, khai mỏ, giao thông vận tải và gỗ.

Trong các chỉ số khác, Fitch Solutions cho biết tiêu dùng tư nhân, chiếm 55% GDP, được cho là sẽ còn suy yếu hơn nữa. Hãng này trích dẫn các nguồn tin tại địa phương, nói rằng nhiều cửa hàng bán các mặt hàng không thiết yếu trong nước đã đóng cửa do bạo lực ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, tổng chi phí đầu tư, hay đầu tư trực tiếp, chiếm khoảng 31% GDP, cũng trên đà sụt giảm. “Tình hình tại Myanmar hiện nay đã vượt ngưỡng bất ổn và chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp có khả năng tạm dừng đầu tư sẽ làm như vậy, còn không họ sẽ thanh lý tài sản và rút vốn hoàn toàn.” 

Chi tiêu chính phủ, chiếm 18% GDP, cũng sẽ giảm, Fitch Solutions cảnh báo. “Với việc hầu như không thể thu thuế trong khủng hoảng, chúng tôi cho rằng chính phủ quân sự đang đối mặt với khan hiếm tiền mặt. Về xu hướng tiêu dùng, chi tiêu cho phục hồi từ COVID-19 có thể giảm mạnh.”

Báo cáo cũng đánh dấu nguy cơ lạm phát tăng vọt trong các Quý tới. Đối mặt với việc nguồn thu thuế sụt giảm và áp lực từ các nguồn thu nhập khác, ngân hàng trung ương do quân đội kiểm soát có nguy cơ sẽ phải in thêm nhiều tiền mặt để hỗ trợ tình trạng tài chính của chính phủ, do đó làm gia tăng lạm phát, Fitch cảnh báo. 

“Với một phần tư dân số sống trong tình trạng nghèo khổ tại Myanmar, và con số này có thể tăng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng, lạm phát phi mã sẽ đè nặng lên tiêu dùng tư nhân. Lạm phát quá mức sẽ nhanh chóng bào mòn tỷ suất hoàn vốn và do đó ngăn chặn đầu tư,” Fitch Solutions viết.

Thanh Thủy (theo Nikkei Asia)

Xem thêm: