Một số lãnh đạo Apple Inc., hãng công nghệ có giá trị tư bản lớn nhất thế giới, nói rằng Apple có ý định chuyển dần các hợp đồng sản xuất cho họ rời khỏi Trung Quốc. Việt Nam và Ấn Độ hiện đang là điểm đến mà hãng này đang cân nhắc, theo Tạp chí Phố Wall (WSJ) phân tích từ các nguồn khác nhau và đưa tin hôm 3/12.

(Ảnh từ foxconn.com.vn)

Rối loạn ở nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu (Trung Quốc) kéo dài thời gian qua, khiến Apple không thể đạt chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ mặt hàng chiến lược iPhone của mình, đã buộc các nhà đầu tư phải nhìn lại tình hình, nhất là về tính ổn định của môi trường lao động này.

“Trước đây, mọi người không chú ý đến rủi ro [đầu tư] tập trung [vào một nơi]”, một cựu giám đốc Foxconn Alan Yeung nói. “Tự do thương mại vẫn được hiểu là đã chuẩn rồi, và mọi thứ sẽ nằm trong dự tính. Nhưng bây giờ chúng ta đã bước vào một thế giới mới.”

Có những nhận định rằng cũng theo WSJ đưa tin, việc Apple di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc cũng sẽ kéo các hãng đa quốc gia khác học theo và rời đi, thậm chí cả các hãng bản địa ở Trung Quốc cũng sẽ học theo. Trong bài có đưa ra ví dụ khi nhắc đến tên của 2 hãng Trung Quốc mà kinh doanh có liên quan mật thiết đến Apple là Luxshare Precision Industry Co. and Wingtech Technology Co.

1
Thời gian chờ đợi iPhone ở Hoa Kỳ từ khi bắt đầu công bố và tuần 10 bán hàng. (Ảnh chụp màn hình)

Sự vụ Foxconn Trịnh Châu, có tới 300.000 công nhân rời bỏ Foxconn. Công ty này có thời điểm tham gia sản xuất tới 85% các dòng sản phẩm iPhone cho Apple. Hiện nay các cây thông Noel đã được dân chúng Hoa Kỳ bắt đầu chuẩn bị rồi, nhưng nếu muốn mua sản phẩm iPhone mới nhất của Apple thì vẫn phải đợi.

Chiến tranh Ukraine, chứng kiến tai hại của việc phụ thuộc vào dầu khí của Nga, cũng khiến nhiều nhà đầu tư muốn cắt giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Việc Đài Loan liên tục bị Trung Quốc đe dọa sáp nhập, cũng khiến Đài Loan trở thành điểm thiếu ổn định cho đầu tư.

Gần đây, việc hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan, hãng cung cấp chip cho các sản phẩm của Apple, đang cho xây dựng dây chuyền công nghệ mới nhất ở Arizona (Hoa Kỳ) cũng khiến không ít đồn đoán về mối lo ngại này. Tuy nhiên, Đài Loan cũng trấn an rằng sẽ không có chuyện công nghệ chip rời khỏi Đài Loan.

Tuy nhiên đến hiện nay, vẫn chưa có thông tin nào chính thức từ Apple rằng họ sẽ giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi Apple đã đầu tư rất nhiều về cơ sở sản xuất, và cũng là thị trường rất lớn của Apple.

Mặc dù vậy, theo WSJ đưa tin thì Apple đã có ý định đặt các dây chuyền sản xuất của mình ở quốc gia khác, Ấn Độ và Việt Nam là các điểm đến đang được cân nhắc.

Những con số cho thấy Việt Nam có tiềm năng phát triển tốt về sản xuất, nhưng số người lao động thì không cao bằng Ấn Độ. Còn Ấn Độ có ưu điểm về nhân công nhưng cấu trúc liên bang và chính sách các vùng miền này khiến Apple không an tâm khi phải phụ thuộc kinh doanh của mình vào quốc gia này.

“Ấn Độ chính là Miền Tây [Hoa Kỳ thời đầu] theo phương diện ổn định về luật pháp và đưa các thứ vào đó rồi có thể lấy các thứ từ đó ra,” một cựu giám đốc của Foxconn và nay là tư vấn dây chuyền sản xuất ông Dan Panzica đã nói với WSJ.

Theo kế hoạch dài hạn của Apple, khoảng 40% đến 45% sản phẩm iPhone sẽ được xuất khẩu từ Ấn Độ, theo phân tích của Ming-chi Kuo, một nhà phân tích của TF International Securities. Còn Việt Nam thì thích hợp hơn với các dòng sản phẩm khác của Apple như AirPod, đồng hồ thông minh, và máy tính xách tay.

Hiện nay, sự hiện diện của Luxshare ICT ở Việt Nam, một hãng do người Hoa đứng sau và sản xuất cho Apple, cũng là một nhân tố khiến Apple cân nhắc. Tuy nhiên, như ông Panzica khẳng định, Việt Nam nhiều nhất có thể huy động được 60.000 công nhân kỹ thuật làm cho các sản phẩm của Apple, và không cách nào thay thế được chỗ trống của Foxconn Trịnh Châu.

“Họ sẽ không làm các điện thoại dòng cao cấp ở cả Ấn Độ và Việt Nam,” ông Panzica cho biết.

Thiên Đức