Ngày 13/3, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết đã gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất các điều kiện mở cửa lại hoạt động đón khách du lịch quốc tế. Điều kiện cách ly áp dụng đối với khách du lịch quốc tế mà Bộ VHTTDL đưa ra được cho là thông thoáng hơn so với phản hồi của Bộ Y tế trước đó.

mo cua du lich quoc te chinh sach don khach quoc te
Thông tin thiếu nhất quán từ Bộ VHTTDL và Bộ Y tế khiến ngày mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam thêm khó khăn. (Ảnh: caa.gov.vn)

Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL, việc mở lại hoạt động đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022 là dựa trên cơ sở ý kiến “thống nhất” của các Bộ, ngành liên quan và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Về chính sách thị thực, Bộ VHTTDL đề xuất đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đưa khách đi du lịch nước ngoài qua các cửa khẩu quốc tế bằng đường hàng không, đường bộ, đường sắt và đường biển theo các chính sách về thị thực nhập cảnh như trước đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán). Trước dịch COVID-19, Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia và song phương cho 88 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tại văn bản trình Chính phủ, Bộ VHTTDL đưa ra một số yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bao gồm:

– Đối với khách du lịch từ 12 tuổi trở lên: phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh; hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hay các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp trong thời gian không quá 6 tháng.

– Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72h trước khi xuất cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) đối với khách nhập cảnh qua đường hàng không và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính đối với khách nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường biển. Đối với các nước, vùng lãnh thổ có yêu cầu cao hơn thì áp dụng theo quy định của nơi xuất cảnh.

– Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD.

– Cài đặt ứng dụng PC-COVID theo quy định và duy trì kết nối trong thời gian tại Việt Nam.

– Trong vòng 24h kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không, khách quốc tế cần phải về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2; nếu âm tính thì được tham gia du lịch, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định.

Theo đó, nội dung đề xuất của Bộ VHTTDL dường như không tiếp nhận các ý kiến phản hồi của Bộ Y tế về các quy định phòng ngừa dịch COVID-19 đối với du khách quốc tế.

Trước đó, ngày 26/2, phản hồi về dự thảo “Phương án mở cửa hoạt động du lịch” của Bộ VHTTDL, tại công văn khẩn số 90/BYT-DP, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ VHTTDL cân nhắc bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung về phòng dịch COVID-19 đối với du khách quốc tế.

Cụ thể, Bộ Y tế không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế, yêu cầu khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 72h trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 ít nhất là 14 ngày và không quá 6 tháng, hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu du khách quốc tế ở lại nơi lưu trú trong vòng 72h sau khi nhập cảnh, trong đó 24h đầu là bắt buộc. Trường hợp muốn di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày; trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72h thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh (kết quả từ phương pháp test nhanh được công nhận).

Trong khi đó, đề xuất của Bộ VHTTDL trình Chính phủ chỉ nêu du khách ở tại nơi lưu trú trong 24h và xét nghiệm virus SARS-CoV-2, nếu có kết quả âm tính có thể tham gia vào hoạt động du lịch ngay.

Với trẻ em dưới 12 tuổi và người có nguy cơ cao, các yêu cầu của Bộ Y tế khắt khe hơn. Trong đó, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền được yêu cầu hạn chế đi du lịch, cần phải có chứng nhận tiêm đủ mũi vắc-xin COVID-19 trước khi nhập cảnh Việt Nam.

Trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc đi du lịch cùng bố mẹ, người thân đáp ứng các quy định trên. Những trẻ đã tiêm vắc-xin hoặc có chứng nhận khỏi bệnh phải xét nghiệm như người lớn. Trường hợp chưa tiêm hoặc chưa mắc COVID-19 thì không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 24h; sau 7 ngày liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 mới được rời khỏi nơi lưu trú. Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm.

Về ứng dụng khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu du khách cài và sử dụng ứng dụng PC-COVID trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam và luôn đảm bảo 5K. Trong trường hợp có các triệu chứng: ho, sốt, đau họng, sổ mũi… cần báo với cơ quan y tế để cách ly theo quy định.

Với những yêu cầu trên từ Bộ Y tế, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch nhận định Bộ Y tế đang siết chặt hơn với khách quốc tế. Những người làm du lịch phản đối đề xuất của Bộ Y tế khi cho rằng các quy định này sẽ làm hạn chế lượng khách đến Việt Nam khi hoạt động du lịch quốc tế mở cửa trở lại từ ngày 15/3.

Ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc AZA Travel cho biết: “Tôi đánh giá phản hồi này quá mâu thuẫn. Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới mỗi ngày. Vậy khả năng khách quốc tế mắc COVID-19 từ người Việt còn cao hơn nhiều khả năng họ lây cho chúng ta. Theo Nghị quyết 128, việc du lịch nội địa đã trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta đã xóa bỏ rào cản với khách nội. Với khách quốc tế, nếu xét theo đề xuất của Bộ VHTTDL, họ vẫn phải test trước khi đi du lịch thì đó đã là một khâu kiểm tra cao hơn rồi. Do đó, việc phân biệt với khách quốc tế như vậy là không nên”, báo Nhà Đầu Tư dẫn lời.

Ông Lương Hoài Nam – Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho hay: “Không thể thực hiện với đề xuất của Bộ Y tế nếu muốn có khách. Chúng ta cần đồng ý rằng nếu du khách đáp ứng điều kiện nhập cảnh, một khi vào Việt Nam thì cần đối xử bình đẳng như khách nội địa. Cần chấm dứt phân biệt đối xử, nếu cứ làm khó nhau thế này thì mở ra không hiệu quả, thậm chí doanh nghiệp còn nguy cơ không hiệu quả hơn”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Hiện chỉ còn 1 ngày nữa là đến thời gian dự kiến Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế trở lại (ngày 15/3/2022). Đối với việc bất nhất giữa hại Bộ VHTTDL và Bộ Y tế, hiện Chính phủ bị “đẩy” ra giải quyết. Theo tin từ báo Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ này giữ nguyên quan điểm và phương án đã trình từ trước đó gửi Thủ tướng, Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng, ban hành phương án hướng dẫn thực hiện.

Quang Minh