Sau 2 ngày tăng giá xăng hơn 1.000 đồng/lít vì mức thuế bảo vệ môi trường tăng, hôm nay giá xăng dầu lại được dự đoán tiếp tục tăng thêm 600 – 900 đồng/lít. Như vậy, hai ngày đầu năm 2023, mặt hàng này tăng tổng cộng gần 2.000 đồng/lít.

cay xang gia xang dau xang dau baochinhphu
Nếu đúng theo dự báo, giá xăng sẽ tăng gần 2.000 đồng/lít, tương đương khoảng 10% chỉ trong 3 ngày đầu năm 2023. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Theo Nghị định 95, giá xăng dầu được điều chỉnh vào 3 kỳ trong tháng, nhưng ngày 1/1 rơi vào ngày Lễ nên kỳ điều hành đầu năm được dời sang ngày 3/1.

Tuy vậy, ngày 1/1 giá xăng phải lập tức điều chỉnh tăng hơn 1.000 đồng/lít, còn dầu tăng thêm 500 đồng/lít, bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tăng thuế bảo vệ môi trường lên trở lại.

Cụ thể, mức thuế môi trường với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng một lít (trước ngày 1/1 áp dụng 1.000 đồng/lít); dầu Diesel, dầu nhờn, dầu mazut và mỡ nhờn là 1.000 đồng một lít (trước đó là 500 đồng/lít), còn dầu hỏa là 600 đồng/lít (trước là 300 đồng/lít).

Riêng thuế với nhiên liệu bay, UBTVQH cho rằng hiện vẫn còn khó khăn do tác động của dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) nên đề nghị áp mức 1.000 đồng một lít. Thời hạn áp dụng từ hôm 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo dữ liệu từ Bộ Công thương, giá xăng dầu bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 27/12 tăng với RON92 quanh 90 USD một thùng, RON95 là 94 USD, còn dầu quanh 110-120 USD.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho biết: “Nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn giá, mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 600 – 900 đồng; dầu tăng 200 – 800 đồng”, theo Vnexpress.

Hiện mỗi lít xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) là 21.800 đồng, tức tăng 1.100 đồng; xăng E5 RON92 là 21.000 đồng; dầu Diesel tăng 550 đồng lên 21.150 đồng/lít.

Tại thị trường thế giới, giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 2,33 USD, lên mức 80,47 USD một thùng; giá dầu Brent tăng 2,86 USD, lên 85,9 USD. Giá dầu tăng mạnh chủ yếu do lo ngại nguồn cung thắt chặt, sản lượng toàn cầu giảm và dầu Nga vận chuyển bằng đường biển khó khăn.

Tại Mỹ, thời tiết khắc nghiệt tác động đến hoạt động sản xuất năng lượng. Trong khi nguồn cung dầu đang bị thắt chặt, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu lại đang khá tích cực trước quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Tuy vậy, giới chuyên gia nước ngoài cũng lo ngại cảnh báo rằng việc Trung Quốc mở cửa đột ngột trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh có thể gây ra sự lây nhiễm biến thể chưa được xác định, có thể xảy ra thảm họa đại dịch như năm 2020.

Đức Minh