Sau 5 lần thông báo đấu giá chiếc Rollls-Royce Ghost ‘mạ vàng’ của FLC Faros, do không có người mua nên ngân hàng BIDV chi nhánh Quy Nhơn hạ giá từ 10 tỷ xuống còn hơn 8,8 tỷ đồng. Người muốn mua cần đặt tiền trước khoảng 1,7 tỷ đồng để được tham gia đấu giá, dự kiến vào ngày 30/12/2022 tại TP.HCM.

FLC Faros Rolls Royce
Chiếc xe bị hạ giá 1,2 tỷ đồng sau 5 lần thông báo đấu giá không có người mua. (Ảnh: Minhphap.vn)

Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Pháp cho biết mức giá khởi điểm của chiếc Rolls-Royce này tiếp tục điều chỉnh giảm từ 9,12 tỷ còn 8,85 tỷ đồng.

Tại lần tổ chức đầu tiên, mức giá khởi điểm là 10 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 lần đấu giá không có người mua, giá trị xe đã giảm khoảng 1,2 tỷ đồng.

Khách đăng ký đấu giá cần đặt tiền trước khoảng 1,7 tỷ đồng, tương đương 20% giá trị tài sản.

Sau khi đặt cọc, khách hàng sẽ đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá dự kiến tổ chức vào chiều ngày 30/12 tại trụ sở công ty Minh Pháp ở TP.HCM. Mỗi bước giá tối thiểu 50 triệu đồng.

Trước đó, đầu tháng 9, ngân hàng BIDV chi nhánh Quy Nhơn thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty CP Xây dựng FLC Faros nhằm xử lý nợ. Hiện tổng số tiền gốc, lãi và phí phạt phát sinh đến ngày 9/8 của FLC Faros tại ngân hàng này lên tới gần 186 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo nói trên là chiếc Rolls-Royce Ghost mạ vàng được sản xuất tại Anh vào năm 2011. Chiếc xe này từng thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT FLC Faros kiêm cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

FLC Faros “lộ liễu” nâng vốn ảo nhưng vẫn lên sàn

Liên quan đến vụ tăng “vốn ảo” hàng nghìn tỷ đồng của FLC Faros nhưng vẫn niêm yết trên sàn chứng khoán gần 6 năm mới bị phát hiện và khởi tố, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết công ty này nâng khống vốn “trước khi chính thức niêm yết lên sàn”. Tuy vậy, Ủy ban này không nêu rõ kẽ hở nào đã giúp doanh nghiệp như FLC Faros có thể niêm yết hợp pháp từ tháng 9/2016 đến nay mới bị phanh phui.

Tối ngày 27/8, UBCKNN cung cấp thông tin về việc nâng khống vốn của Công ty FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng (tháng 3/2014) lên 4.300 tỷ đồng (tháng 3/2016), tương đương gấp 2.866 lần. Toàn bộ quá trình nâng vốn này thực hiện trước khi FLC Faros niêm yết chính thức tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào tháng 9/2016.

Ủy ban này khẳng định FLC Faros đã vi phạm Luật Doanh nghiệp về việc thay đổi vốn điều lệ, không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu quản lý, giám sát của UBCKNN, Bộ Tài chính.

“Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”, UBCKNN cho biết về hành vi vi phạm của FLC Faros.’

Theo Cơ quan điều tra, sau khi niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), các bị can trong vụ án đã thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt từ nhà đầu tư một cách công khai.

Lần theo dấu vết tăng vốn ảo, trong báo cáo kiểm toán bán niên năm 2016, Công ty TNHH Kiểm toán ASC đã nhấn mạnh: “Trong đợt tăng vốn điều lệ trong quý 1/2016 với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận uỷ thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016”.

flc faros
Kiểm toán đã nêu ra sự bất thường của việc nâng vốn của FLC Faros trong báo cáo tài chính bán niên năm 2016. (Ảnh chụp màn hình: Báo cáo FLC Faros)

Như vậy, các cổ đông góp vốn từng phần thông qua chuyển tiền vào tài khoản của FLC Faros, nhưng ngay lập tức tiền lại được chuyển ra ngay và quy trình này lặp lại đến 18 lần chỉ trong ngày 8/1/2016.

Với 18 vòng chuyển tiền, thực tế cổ đông của FLC Faros chỉ cần hơn 25 tỷ đồng để hoàn tất đợt tăng vốn. Sau khi kiểm toán ASC chỉ ra bất cập, công ty này đã đổi đơn vị kiểm toán.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, ở mục “Lưu ý người đọc Báo cáo tài chính” được Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CFA HANOI) nêu: Trong năm 2015, FLC Faros ủy thác đầu tư cho một số tổ chức và cá nhân với tổng số tiền là 3.332 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính đến hết năm 2015, tổng tài sản của FLC Faros là 4.522 tỷ đồng. Như vậy, theo tính toán, số tiền FLC Faros dùng ủy thác đầu tư chiếm tới 73,6% tổng tài sản. Vốn góp cổ phần của FLC Faros thời điểm đó cũng chỉ có 3.037 tỷ đồng, nhỏ hơn so với tiền công ty mang đi ủy thác đầu tư.

TS Lê Đạt Chí cho biết: “Doanh nghiệp không có tiền, nên phải tăng vốn trước niêm yết, lợi dụng bút toán sổ sách. Tiền ghi góp vốn sẽ biến hóa thành ủy thác đầu tư, sau đó làm bút toán để rút tiền ra”, báo Tiền Phong đưa tin.

“Doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật, làm những điều chưa được quy định, chưa có chế tài xử lý. Dù vậy, lần theo dòng tiền, kẽ hở sẽ lộ ra, vì bản chất doanh nghiệp không có tiền”, ông Chí khẳng định.

Đức Minh