Khởi công xây dựng từ tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng đến nay dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành vẫn chưa thể về đích như kế hoạch và lùi tới cuối năm 2025. Tổng vốn đầu tư tuyến cao tốc này khoảng 1,6 tỷ USD với chiều dài 57km đi qua Long An, TP.HCM và Đồng Nai.

cao toc ben luc long thanh long an dong nai cao toc ben luc
Cao tốc Bến Lức – Long Thành tiếp tục trễ tiến độ, lùi tới cuối năm 2025 có thể vẫn chưa hoàn thành. (Ảnh: dongnai.gov.vn)

Tính đến đầu tháng 3, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành có 4/11 gói thầu gần hoàn thành, 1/7 gói thầu còn lại (A7) đang thi công đạt 67,6%, chậm khoảng 12,7% so với kế hoạch. Đồng thời, dự án chưa hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa hoàn thành lựa chọn nhà thầu mới cho các gói thầu đã chấm dứt hợp đồng, chậm triển khai thi công… theo báo Thanh Niên.

Điều này dẫn đến nguy cơ các gói thầu đoạn phía Đông không hoàn thành trong năm 2023 và gói thầu J3 có thể không hoàn thành trong quý 3/2025.

Được biết, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành có chiều dài hơn 57km đi qua địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai. Tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD).

Tổng số vốn đầu tư gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 635,7 triệu USD; vốn vay cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 634,8 triệu USD và vốn đối ứng là 336,9 triệu USD.

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC – thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) làm chủ đầu tư.

Đây là dự án trọng điểm của Việt Nam thuộc trục cao tốc Bắc – Nam. Dự kiến sau khi đưa vào khai thác sẽ kết nối các tuyến cao tốc phía Tây với các tỉnh Đông Nam bộ và sân bay Long Thành.

Theo kế hoạch dự kiến, năm 2018, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ đưa vào khai thác nhưng chậm trễ tiến độ, dự án đã được gia hạn tiến độ hoàn thành sang năm 2023.

Đại diện Ban quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam (SEPMU) cho biết dự án đang bị “đóng băng” vì  chậm cung cấp vốn. Trong đó, vốn từ ngân sách nhà nước bị dừng từ năm 2019 theo nghị quyết 71 Quốc hội, vốn JICA cũng dừng 2019 và vốn từ ADB cho đoạn phía Tây hết hạn hiệp định từ cuối tháng 6/năm 2019, theo báo Nhà Đầu Tư.

Cho đến cuối năm 2020 thì mới xử lý nguồn vốn từ ADB cho đoạn phía Đông. Và hiện nay, đoạn này đang thi công một số gói thầu.

Phía SEPMU đã báo cáo với Bộ GTVT để giải quyết những khó khăn về vốn nhưng cho đến nay vẫn chưa xử lý được. Ngoài ra, do chờ đợi quá lâu, các nhà thầu thi công dự án đã đồng loạt xin dừng hết hợp đồng.

Với các gói thầu thuộc đoạn phía Đông, Bộ GTVT đề nghị VEC nhanh chóng làm việc với Ngân hàng ADB để có ý kiến về kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu A6, dự kiến sẽ có nhà thầu triển khai thi công trong tháng 3.

Đối với các đoạn phía Tây, VEC được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công khối lượng còn lại gói thầu A1, A4 để triển khai thi công trong tháng 6 tới.

Đức Minh