Liên quan đến gần 6.400 tỷ đồng nợ xấu của những chủ tàu vay theo Nghị định 67, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu.

tau 67 vay dong tau 67 tau 67 no ngan hang nghi dinh vay dong tau 67
Những con tàu vỏ thép đóng mới hàng chục tỷ đồng nhưng mau xuống cấp, gỉ sét, hư hỏng liên tục khiến ngư dân làm ăn không hiệu quả, phá sản vì nợ. (Ảnh chụp màn hình video: danviet.vn)

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Bộ NN&PTNT cho biết sau 7 năm thực hiện cho vay đóng mới tàu vỏ thép, số lượng tàu đánh bắt xa bờ tăng khoảng 20% so với năm 2014.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của các ngân hàng, tổng dư nợ của 1.132 tàu vay theo Nghi định 67 (gọi tắt là tàu 67) còn 9.520 tỷ đồng, trong đó nợ xấu (nợ khó đòi hoặc mất khả năng chi trả) lên đến 6.397 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 67,2%.

Theo báo VTV, tình cảnh nhiều ngư dân vay đóng tàu 67 trước đây có tay nghề cao, giỏi đánh bắt, có kinh nghiệm đi biển, từng làm ăn hiệu quả nay trở thành người có nợ xấu, thậm chí phá sản là điều xót xa.

Đơn cử như tại Quảng Nam, người dân đã vay đóng mới 63 tàu với tổng nguồn vốn được giải ngân là hơn 700 tỷ đồng (giá trị trung bình khoảng 11,1 tỷ đồng/tàu). Sau hơn 5 năm, phần lớn những tàu 67 này làm ăn không hiệu quả, nằm bờ hư hỏng và đang được rao bán với giá phế liệu (khoảng 10% giá trị tàu khi đóng mới). Nhiều chủ tàu đã lâm nợ, phá sản và đối mặt với việc có khả năng bị ngân hàng khởi kiện vì nợ xấu.

Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho người dân và các ngân hàng cho vay, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ thị cho Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm cho ngư dân theo quy định tại nghị định.

Ngoài ra, Bộ này đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.

Trước đó, ông Võ Văn Hân (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) – chủ tàu cá vỏ thép số hiệu QNg 909-99 TS (hạ thủy năm 2016) đang bị ngân hàng khởi kiện vì không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay. Được biết, ông Hân vay ưu đãi theo Nghị định 67 thông qua ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi, số tiền vay được hơn 13,2 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm, kỳ hạn vay 11 năm.

Ông Hân cho hay: “Càng đi tàu càng hư hỏng nặng khiến chuyến biển nào trở về cũng tay trắng, lại bị mất ngư cụ nên nợ nần chồng chất thêm. Đến tháng 3/2018, tàu phải neo lại cho đến nay vì không còn khả năng đi tiếp. Số tiền nợ hơn 13 tỷ vay đóng tàu, gia đình cũng không biết làm sao trả”, báo Người Lao Động dẫn lời.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Quảng Ngãi, tàu QNg 909-99TS của ông Võ Văn Hân được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 2 tỷ đồng nhưng không có người tham gia mua.

Nghị định 67 về cho vay vốn đóng tàu được ra đời trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 17 hải lý và xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa ngư dân Việt Nam với tàu Trung Quốc.

Việc chuyển từ tàu cá vỏ gỗ sang tàu cá vỏ thép cho ngư dân không chỉ đơn thuần thay đổi kết cấu của con tàu, mà còn đòi hỏi thay đổi toàn bộ tư duy về hoạt động đánh bắt cá theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Tuy vậy, sự vội vã cùng những ý kiến áp đặt của cơ quan nhà nước đã làm cho chủ trương này không thật sự đi đúng hướng – Đài Châu Á Tự Do đưa tin.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tàu cá vỏ thép mau hư hỏng là vấn nạn tham nhũng, trục lợi từ chính sách của các nhóm lợi ích.

Đơn cử như ở tỉnh Bình Định, các chủ tàu phản ánh hợp đồng đóng tàu bằng vỏ thép Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng các công ty đóng tàu đã thay thế bằng thép Trung Quốc không đảm bảo chất lượng; vỏ tàu mới sử dụng đã gỉ sét, máy trục trặc “như cơm bữa”, hầm bảo quản không giữ lạnh…

Tại cuộc họp vào tháng 5/2017 giữa chính quyền tỉnh Bình Định với doanh nghiệp đóng tàu, ông Trương Văn Đài – Phó giám đốc của công ty Đại Nguyên Dương khẳng định: “Tàu xuống cấp, nước sơn bị bong tróc, thiết bị trên boong bị hư hỏng là do nước biển mặn”.

Kiến Minh