Sự kiện đồng Nhân dân tệ (CNY) tham gia giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế (SDR) được Chính quyền Trung Quốc quảng bá mạnh mẽ, không giấu diếm tham vọng nâng tầm vị thế của quốc gia này trong thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng từ góc nhìn kinh tế học cũng như ý nghĩa SDR thì dường như tham vọng của Trung Quốc chỉ là “hữu danh vô thực”.

SDR-1
(Ảnh: talkmarkets.com)

Giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế SDR – là đơn vị quy ước được sử dụng để tính toán chứ không thực sự tồn tại trong lưu thông

SDR (Special Drawing Right) là đơn vị tiền tệ quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành, thiết lập vào năm 1969. SDR phân bổ cho các nước thành viên một lượng theo tỉ lệ phần đóng góp vốn của mình vào IMF. Đặc biệt, tuy SDR là một đơn vị tiền tệ nhưng nó hoàn toàn không có tính chất lưu thông mà chỉ có ý nghĩa tính toán.

Ngày nay SDR ít được sử dụng như một tài sản dự trữ, mà chức năng chính của nó là sử dụng như một tài khoản tại IMF của các nước thành viên và một số tổ chức quốc tế, sử dụng như một đơn vị tính toán. Thực tế, SDR chỉ chiếm 2% tổng lượng dự trữ ở các ngân hàng trung ương, và nó không hề được sử dụng ở khu vực tư nhân. Trên thực tế, giỏ tiền tệ gồm bốn loại tiền này đã không thay đổi trong 15 năm qua, chủ yếu là do nó ít quan trọng.

Trung Quốc đã vận động trong nhiều năm để CNY được tính vào giỏ dự trữ cùng với đồng Đô-la Mỹ, bảng Anh, Euro và Yên Nhật và chính thức gia nhập SDR kể từ ngày 1/10/2016.

Dù đã gia nhập SDR nhưng CNY không đủ điều kiện cần để trở thành một đồng tiền dự trữ đúng nghĩa

Trung Quốc có tham vọng đồng CNY sẽ là đồng tiền dự trữ của thế giới, từng bước lấn lướt sức mạnh của đồng USD cũng như đồng EUR, những đồng tiền đầu bảng trong danh sách dự trữ ngoại hối của mọi nền kinh tế.

“Việc đưa CNY vào SDR là một mốc quan trọng trong việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, và là một sự khẳng định sự thành công trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Là kết quả của cuộc cải cách, mở cửa trong ngành tài chính của Trung Quốc”, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, con đường quốc tế hóa đồng CNY sẽ còn hết sức gian nan bởi Trung Quốc phải vượt qua rất nhiều rào cản về kinh tế, chấp nhận tự do hóa tỷ giá, tự do hóa thị trường vốn, chấp nhận biến động khắc nghiệt về giá tài sản, và hơn tất cả là thiết lập được một quốc gia có tinh thần thượng tôn pháp luật vững vàng – Đây là điều mà Chính phủ Trung Quốc khó có thể theo đuổi, ngay cả trong dài hạn.

Trung Quốc khó có thể đổi mới thể chế hay áp dụng những chính sách hậu thuẫn cho tham vọng này, ngay cả trong dài hạn

Thứ nhất, đồng CNY chỉ có thể nằm trong danh mục dự trữ ngoại hối của NHTW các nước khi và chỉ khi Trung Quốc từ bỏ chính sách “kiểm soát tỷ giá”, cụ thể là việc neo vào tỷ giá đồng USD theo biên độ “có kiểm soát” và PBOC phải dừng can thiệp vào thị trường hối đoái của họ, như việc giữ giá trị đồng CNY trong một biên độ giao dịch 2% theo “tỷ giá tham chiếu”.

SDR-2
(Ảnh: Shutterstock)

Nhưng Trung Quốc, một quốc gia dựa vào xuất khẩu sẽ không dễ đi theo con đường thay đổi đó. Chính phủ Trung Quốc đã quen trong môi trường “tỷ giá cố định”, hay tỷ giá tham chiếu, và quen “thao túng tiền tệ”, để cạnh tranh bất bình đẳng. Ví dụ, trước đây Trung Quốc mua trái phiếu kho bạc Mỹ làm hạn chế nguồn cung đồng USD, khiến đồng CNY được định giá thấp hơn giá trị thực; nhờ vậy họ có được lợi thế lớn về giá xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi Trung Quốc đang đứng trước các bất cân đối lớn của nền kinh tế, tình trạng dư cung trầm trọng càng tạo áp lực mạnh hơn đối với việc giữ tỷ giá nhằm đẩy hàng hóa dư cung qua biên giới.

Thứ hai, thị trường vốn của Trung Quốc chưa đủ điều kiện cho một đồng tiền dự trữ, việc mở rộng thị trường vốn cũng mang lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế này

Theo ông Alexander Friedman, Giám đốc Điều hành của Tập đoàn GAM Holding, một trong những yêu cầu tối thiểu đối với tiền dự trữ là loại tiền ấy phải được tự do chuyển đổi phục vụ các giao dịch tài khoản vãng lai, tự do chuyển đổi mục đích liên quan đến tài khoản vốn như đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quan trọng hơn nữa, loại ngoại tệ đó phải có tính thanh khoản cao, ổn định để có thể đáp ứng các yêu cầu của NHTW về cán cân thanh toán, trả nợ, và đôi khi là can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Để đạt được điều này, nước cung cấp đồng tiền dự trữ cần có thị trường vốn nội địa lớn – đặc biệt đối với các trái phiếu nợ ngắn hạn có chất lượng cao mà thông qua đó dự trữ của ngân hàng trung ương có thể được lưu giữ. Tại Hoa Kỳ, trái phiếu kho bạc phục vụ mục đích này, trong khi ở Vương quốc Anh trái phiếu chính phủ ngắn hạn rất nhiều và có tính thanh khoản cao. Nhưng thị trường nợ chính phủ của Trung Quốc, nơi khả dĩ nhất để chứa các tài sản dự trữ, vẫn còn quá nhỏ và có tính thanh khoản thấp đối với mục đích của các nhà quản lý dự trữ tại các ngân hàng trung ương.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc mở rộng thị trường tài chính và chứng khoán của họ như đã cam kết thì giới đầu tư và đầu cơ sẽ cố gắng mua đồng CNY bằng nhiều hình thức, kể cả mua trái phiếu do Bắc Kinh phát hành. Điều này sẽ khiến đồng CNY đột ngột tăng giá trị so với đồng USD, EUR, hay JPY và hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không cạnh tranh nổi vì không những bán đắt mà còn kém chất lượng so với hàng hóa ở Mỹ hay Châu Âu. Kết quả, các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc, vốn quen sản xuất dư thừa, bán hàng rẻ nhờ đồng bạc định giá thấp sẽ phải bán hàng với mức giá cao hơn, lợi thế cạnh tranh về giá biến mất. Điều này có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp của Trung Quốc sẽ phá sản vì khó cạnh tranh cũng như tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ có thể phải đối mặt với thâm hụt tài khoản vãng lai, điều này hạn chế Trung Quốc xuất khẩu.Trong nhiều năm liền, Trung Quốc luôn thặng dư tài khoản vãng lai. Khi tham gia SDR, đồng CNY được giới đầu tư chú ý và tích trữ hoặc kiếm lời nhờ kỳ vọng tăng giá, điều này có thể khiến cán cân vãng lai của Trung Quốc bị thâm hụt. Như vậy, Trung Quốc sẽ phải hạn chế xuất khẩu và tăng cường nhập khẩu nhiều hơn.

Cuối cùng, điều kiện về một quốc gia thượng tôn pháp luật trên nền tảng dân chủ vững chắc không phải là điều Trung Quốc có thể thực hiện, ngay cả trong dài hạn. Không phải ngẫu nhiên mà các trung tâm tài chính toàn cầu và đồng tiền dự trữ xuất hiện chủ yếu ở các nước có tinh thần thượng tôn pháp luật vững vàng và người nước ngoài không bị phân biệt đối xử về mặt pháp luật. Liệu Trung Quốc có thể đạt được địa vị pháp lý tương tự hay không vẫn còn bỏ ngỏ, hay ít ra thì đây sẽ là một quá trình lâu dài và chậm chạp.

Rõ ràng là, cơ chế tỷ giá và tham vọng của Trung Quốc khiến cho việc tham gia SRD chỉ là “hữu danh vô thực”. Vị thế đồng CNY trên thị trường quốc tế không vì thế mà nâng lên hoặc có sức mạnh thống trị bởi giá trị CNY phụ thuộc vào giá trị của nền kinh tế Trung Quốc, phụ thuộc vào sự thành bại và thể chế thị trường minh bạch của quốc gia này.

Tâm Như – Minh Ngọc (T/H)

Xem thêm: