Mặc dù đã gỡ bỏ các hạn chế đi lại do COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) từ giữa tháng 3/2022 nhưng ngành du lịch của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Điều này kéo theo số lượng lao động của ngành bị sụt giảm tới khoảng 40% – 50%.

mo cua du lich don khach quoc te du lich
Việt Nam khó đạt mục tiêu 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2022. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Theo Báo cáo Cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) tại Việt Nam do Liên chi hội Khách sạn công bố hôm 7/12, số lượng lao động của ngành du lịch đã mất tới 40% – 50% và buộc phải chuyển sang lĩnh vực làm việc khác, theo báo Việt Nam Net.

Tính đến hết năm 2019, số lượng lao động trong hệ thống CSLTDL khoảng 400.000 người. Chất lượng phục vụ khách tại các CSLTDL từ 3 sao trở lên tương đối tốt, căn bản có thể đáp ứng yêu cầu của khách du lịch quốc tế và nội địa.

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, giai đoạn năm 2020 – 2021 có nhiều lao động phải tạm nghỉ hoặc nghỉ không lương vì khách sạn đóng cửa.

Một số phải làm việc luân phiên do công suất phòng quá thấp. Lao động đã bị ngừng hợp đồng lao động với CSLTDL và tìm việc khác chiếm tới khoảng 40% – 50% trong tổng số nhân lực trong hệ thống.

Từ đầu năm đến nay, khi CSLTDL hoạt động trở lại, đặc biệt là khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch (tháng 3/2022), nhiều lao động tại các khách sạn đã nghỉ việc trong năm 2020 và 2021 đã không quay trở lại làm việc, dẫn đến thiếu hụt lao động.

Tỷ lệ lao động tại các CSLTDL rất thấp, cụ thể: hạng 1, 2 sao bình quân đạt 0,3 lao động/1 buồng; hạng 3 sao bình quân đạt 0,5 lao động/phòng; hạng 4 sao bình quân đạt 0,8 lao động/phòng; hạng 5 sao bình quân đạt 1 lao động/buồng.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động cũng giảm do CSLTDL phải tuyển dụng bổ sung nhân lực mới nên còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ. Tỷ lệ nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cũng theo báo cáo nói trên, số lượng và chất lượng CSLTDL tại Việt Nam đang bị giảm sút. Trong năm 2020 – 2021, hầu hết các CSLTDL hoạt động cầm chừng, nhiều đơn vị bị đóng cửa hoặc rao bán.

Đến năm 2022, do lượng khách quốc tế còn ít nên công suất phòng thấp, vẫn còn 30% – 40% trong tổng số CSLTDL chưa mở cửa và dịch vụ tại nhiều nơi vẫn chưa hoạt động trở lại.

Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều CSLTDL (đặc biệt là các cơ sở từ 2 sao trở xuống) bị xuống cấp nghiêm trọng do không có điều kiện để đầu tư, duy trì bảo dưỡng.

Việt Nam khó đạt mục tiêu 5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2022

Vừa qua, Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 11/2022, Việt Nam đón khoảng 596.900 lượt khách, tăng hơn 23% so với tháng trước. Trong đó, khách từ các quốc gia châu Á và châu Mỹ có tín hiệu tăng mạnh.

Tuy vậy, việc Trung Quốc vẫn áp đặt chính sách Zero-COVID khiến Việt Nam mất đi nguồn khách trước đây từng đóng vai trò chủ lực và dồi dào từ quốc gia lân cận.

Tính chung 11 tháng năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người, giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

So với mục tiêu của Bộ Du lịch – Văn hóa và Thể thao đề ra năm 2022 là 5 triệu lượt, lượng khách quốc tế đang đạt gần 60%.

Trong số đó, du khách đến từ các quốc gia châu Á, châu Mỹ tăng mạnh; khách châu Âu chậm phục hồi hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, tại châu Á, khách Hàn Quốc đến Việt Nam nhiều nhất trong tháng vừa qua khi đạt 144.258 lượt người, nâng tổng số khách Hàn trong 11 tháng lên 763.877 lượt người.

Tiếp sau đó là các thị trường Thái Lan (khoảng 38.870 lượt người), Campuchia (khoảng 37.590 lượt), Malaysia (khoảng 29.180 lượt), Nhật Bản (khoảng 26.420 lượt),…

Tại châu Mỹ, có khoảng 47.910 khách đến từ Mỹ và 10.510 khách Canada đến Việt Nam, nâng tổng số khách trong 11 tháng của 2 khu vực này lên lần lượt 266.080 và 40.840 lượt.

Ngoài ra, khách quốc tế đến từ một số nước châu Âu như: Anh, Pháp, Đức,… cũng tăng trở lại. Đặc biệt, khách Nga có dấu hiệu tăng khi tháng 11 số lượng khách cao gần gấp đôi so với tháng 10/2022. Cùng với đó là lượng khách đến Australia (Úc) cũng tăng so với tháng trước đó.

Đức Minh