Người dân xếp hàng từ tờ mờ sáng ngay trước cổng văn phòng đăng ký đất đai huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đợi làm thủ tục trong bối cảnh “sốt” đất. Chính quyền Cam Lâm cho hay mỗi ngày chỉ giải quyết được tối đa 60 bộ hồ sơ nhưng 4 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày nhận đến gần 160 hồ sơ mới.

nguoi dan cam lam nam cho lam thu tuc dat sot dat o cam lam
Từ 1-2h sáng, người dân Cam Lâm đã phải vật vờ chờ đợi ở trước cổng cơ quan vì muốn sớm làm thủ tục liên quan đến bất động sản đang “sốt” giá. (Ảnh: dẫn qua Đời sống Dân sinh Khánh Hòa/Facebook)

Nhiều người dân vì muốn được sớm làm hồ sơ liên quan đến bất động sản ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã phải lót bạt nằm chờ, có người ngủ lại trước cổng cơ quan xử lý hồ sơ đất đai của huyện.

Truyền thông trong nước cho hay ở huyện Cam Lâm có tình trạng “sốt” đất diễn ra vài tháng qua, nguyên nhân là do quy hoạch tương lai huyện này sẽ trở thành một “khu đô thị sân bay quốc tế”.

Theo trang Zing, từ 1-2h sáng, người dân đã có mặt ở trước cổng văn phòng đất đai huyện Cam Lâm để đợi lấy số thứ tự, có người mang theo mùng mền, võng nằm, lều ngủ để thuận tiện cho việc nằm chờ qua đêm.

Trong khi đó, nhân viên của chính quyền không làm xuể số lượng hồ sơ được nộp mỗi ngày, dẫn tới ùn ứ, làm cả cuối tuần vẫn không giải quyết xong.

Ông Tạ Hồng Sơn (Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm) cho biết ông đến để nộp hồ sơ xin tách thửa đất. Ông phải đến từ 2h sáng nếu không sẽ muộn và đợi tới ngày tiếp theo.

“Đi làm mới biết cảnh khổ cực vì phải chen lấn bốc số thứ tự. Nhiều người ở xa phải chờ rất lâu mới đến lượt”, ông Sơn nói thêm, trang Zing dẫn lời.

Theo anh Võ Quang Hòa (Cam Lâm), nếu “mua dịch vụ hay nhờ cò” làm hồ sơ sẽ nhanh hơn, tuy vậy sẽ tốn thêm nhiều chi phí. Anh Hòa đã có 2 lần phải ra về vì chính quyền không kịp xử lý hồ sơ trong ngày.

“Đi trễ coi như buổi sáng ‘công cốc’, phải chờ qua ngày hôm sau. Nhiều người tôi thấy có mặt ở đây 3-4 hôm rồi mà vẫn chưa làm xong hồ sơ”, anh Hòa nói.

Báo Thanh Niên đưa tin, ông Nguyễn Tấn Đạt, Giám đốc Chi nhánh văn phòng đất đai huyện Cam Lâm cho biết từ khi có thông tin quy hoạch xây dựng khu đô thị sân bay, nhiều người dân tại địa phương đã ồ ạt đi làm hồ sơ để tách thửa dẫn đến tình trạng quá tải. Chỉ trong 4 tháng đầu năm đã có hơn 19.000 hồ sơ được nộp (trung bình gần 160 hồ sơ/ngày), con số này bằng cả năm 2021, trong khi đó một ngày Chi nhánh này chỉ nhận giải quyết được 60 hồ sơ.

“Hồ sơ quá nhiều nhân viên hành chính làm không hết, thậm chí làm cả ngày cả đêm, làm thêm cả thứ 7, chủ nhật cũng không xuể”, một vị lãnh đạo (không nêu danh tính) của văn phòng đất đai huyện Cam Lâm cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm Ngô Văn Bảo cho hay: “Huyện đã có chỉ thị sẽ công bố công khai quy hoạch sử dụng đất, các dự án trên địa bàn một cách công khai để người dân nắm, tránh các tin đồn thất thiệt làm nhiễu thông tin”, ông Bảo nói.

Tình trạng “sốt” đất ở huyện Cam Lâm được cho có phần đóng góp của việc đầu cơ, cố tình “thổi” giá đất bằng cách hình thức khác nhau. Theo báo Người Lao Động, đầu tháng 12/2021, nhiều hình ảnh giả mạo việc cắm cột mốc của Tập đoàn Vingroup được lan truyền, một số người loan tin về tiềm năng của những dự án lớn, khiến nhiều người tin chắc về những lô đất sẽ tăng giá trong tương lai.

Cot moc vingroup gia o Cam Lam cot moc cam lam
Nhiều cột mốc được chôn tạm không có tọa độ, cố ý ghi mập mờ thông tin như “VIN” để người dân hiểu lầm là Tập đoàn Vingroup. (Ảnh chụp màn hình video: dẫn qua Cam Lâm Club/Facebook)

Thời điểm đó, ông Bảo khẳng định huyện này chưa tổ chức việc cắm mốc tọa độ nào liên quan đến việc nghiên cứu dự án của một số tập đoàn lớn. Tuy vậy, nhiều người dân phản ánh đã có rất nhiều cột mốc được chôn tạm, cách vài km lại có, người thực hiện việc này nói rằng một tập đoàn lớn sắp làm dự án.

Ngoài ra, nhiều dự án không có thật và chưa được cấp phép nhưng được quảng cáo để thu hút nhà đầu tư như: Cam Lam Central Park, Cam Lam Future City, Cam Lam Sky Lake, Ocean View,…

Việc phân lô, bán nền chỉ mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt. Về lâu dài sẽ phát sinh nhiều tiêu cực và hệ lụy cho xã hội, làm cạn kiệt tài nguyên. Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa cho rằng tình trạng đất đai ở huyện Cam Lâm cần sớm được chấn chỉnh và đưa ra những biện pháp để xử lý những sai phạm, theo VOV.

Kiến Minh