Giá cả đang leo thang kỷ lục tại đảo quốc Sri Lanka trong tháng 6 do tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm đến nhiên liệu. Mọi thứ trở nên ngày càng đắt đỏ với người dân.

Sri Lanka siêu lạm phát Sri Lanka vỡ nợ Sri Lanka sụp dổ kinh tế 2157251721
Người dân xếp hàng dài chờ đợi mua nhiên liệu ở thành phố Colombo, Sri Lanka vào tháng 5/2022. (Ảnh: Ruwan Walpola/Shutterstock)

Dữ liệu chính thức hôm thứ Năm (30/7) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại thủ đô Colombo (Sri Lanka) đã tăng 54,6% so với một năm trước. Con số này phá vỡ các dự đoán về mức tăng 43,7% trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg với các nhà kinh tế.

Thước đo mà các nhà kinh tế dùng để mô tả tình trạng siêu lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng vượt quá 50%.

Thông tin về dữ liệu lạm phát bao gồm: Lạm phát cơ bản (không tính thực phẩm và nhiên liệu) đã tăng 39,9% từ mức 28,4% trong tháng 5; Giá cả thực phẩm tăng bình quân 80,1% từ mức 57,4% và giá vận chuyển tăng lên 128%, từ mức 91,5%.

Đây là số liệu lạm phát cuối cùng trước quyết định lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka vào ngày 7/7. Trong khi cơ quan tiền tệ giữ nguyên chi phí đi vay trong tháng 5, các nhà hoạch định chính sách có thể buộc phải tiếp tục thắt chặt để kiềm chế lạm phát.

Sri Lanka đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, trong tuần này Chính phủ đã hạn chế nguồn cung cấp nhiên liệu và yêu cầu người dân ở nhà cho đến ngày 10/7 để làm giảm nhu cầu. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuần trước cho biết quốc gia này không thể tìm nguồn nhiên liệu ngay cả có tiền mặt, vì các nhà cung cấp yêu cầu đòi trả hết các khoản nợ quá hạn cũ.

“Chúng tôi đã hứng chịu tác động của siêu lạm phát mặc dù con số hiện nay mới thể hiện ra”, Kavinda Perera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Asia Securities ở Colombo cho biết.

Ông Perera nói: “Vẫn còn chỗ để giá cả tiếp tục tăng cao hơn nữa”, và hiện không có giải pháp chính sách tiền tệ nào để giải quyết các vấn đề nguồn cung năng lượng.