Sri Lanka đã thông qua quy định cho phép nhân viên khu vực công chỉ phải làm việc 4 ngày 1 tuần để giúp họ đối phó với tình trạng thiếu nhiên liệu và khuyến khích họ trồng trọt cây lương thực, chính phủ cho biết hôm thứ Ba (14/6), khi nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. 

Embed from Getty Images

Sri Lanka đã phải chịu tình trạng thiếu ngoại hối trầm trọng, khiến nước này rất khó khăn để thanh toán cho các hàng hóa nhập khẩu quan trọng như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.

Nhiều trong số 22 triệu người của đất nước đã phải xếp hàng dài tại các trạm xăng dầu trong nhiều giờ và phải chịu đựng tình trạng cắt điện kéo dài trong nhiều tháng.

Nội các Sri Lanka vào cuối ngày thứ Hai đã thông qua đề xuất cho công nhân viên chức khu vực công được nghỉ phép vào thứ Sáu hàng tuần trong ba tháng tới, một phần vì tình trạng thiếu nhiên liệu khiến việc đi lại trở nên khó khăn và cũng để khuyến khích họ làm nông nhằm giảm bớt gánh nặng thiếu lương thực. 

Tuần trước, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang bùng phát và có kế hoạch sẽ cung cấp 47 triệu USD để giúp đỡ hơn một triệu người dễ bị tổn thương tại quốc đảo này.

Đồng tiền mất giá, giá hàng hóa toàn cầu tăng và chính sách cấm phân bón hóa học (hiện đã bị thu hồi) đã đẩy lạm phát lương thực tại Sri Lanka lên 57% trong tháng Tư.

Chính phủ đang đàm phán về gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và một phái đoàn dự kiến ​​sẽ đến Colombo vào ngày 20 tháng 6.

Hoa Kỳ cũng cho biết sẵn sàng giúp đỡ, Ngoại trưởng Antony Blinken nói sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Ranil Wickremesinghe vào cuối ngày thứ Hai.

Ông Wickremesinghe cho biết trong tháng này rằng Sri Lanka cần ít nhất 5 tỷ USD để đáp ứng các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu cho phần còn lại của năm.

Lê Vy (theo Reuters)