Hơn 70 năm qua các xã hội phát triển trên thế giới vẫn thường đứng “tô điểm” trước tấm gương và ngưỡng mộ về những gì mình trông thấy: sự tăng trưởng. Chiếc gương đó được gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nó đã trở thành tiêu chí căn bản để đánh giá xem chúng ta đẹp như thế nào, trên cả hai phương diện kinh tế lẫn xã hội.

Embed from Getty Images

Nền kinh tế – thứ mà GDP được dùng để đo lường – là tất cả những thứ ở xung quanh chúng ta. Bạn không thể ngửi thấy nó hay chạm vào nó. Nhưng nó là vấn đề thường xuyên được bàn tán trong thế giới hiện đại. Nó được chạy hàng tít trên mục tin tức thời sự, hay trở thành những chủ đề chính trong kinh doanh và các cuộc tranh biện chính trị.

Thế nhưng, điều ngạc nhiên là, với khái niệm căn bản này, có rất ít người biết được một cách chính xác nền kinh tế là gì hoặc bằng cách nào chúng ta có thể đo lường được sự phát triển của nó. Tất cả những gì chúng ta biết là nó cần phải liên lục tiến lên phía trước, giống như một con cá mập. Chúng ta định nghĩa nền kinh tế bằng thuật ngữ GDP.

>> Tăng trưởng và sự hạn chế của GDP

Trong xã hội hiện đại và đi ngược với cảnh báo của người đã phát minh ra nó, GDP đã trở thành một thứ đánh giá cho sức khỏe của một quốc gia. Nếu nền kinh tế đang tăng trưởng, thế thì mọi thứ phải tốt đẹp. Nếu nó bị thu hẹp vậy thì mọi chuyện tồi tệ.

Nhưng tấm gương mà chúng ta vẫn thường dùng để ngắm mình trong đó thì giống như hội chợ hơn là cái nhà tắm nhỏ bé. Hình ảnh được phản ánh phía sau đều méo mó và khác xa thực tế. Tấm gương kinh tế của chúng ta đã bị tan vỡ. Chúng ta đang sống trong một “thời đại giận giữ” (Age of Anger), được định hình bởi những phản ứng tiêu cực và sự chối bỏ những thể chế và lý tưởng vốn được ca ngợi trước đây, trong đó gồm cả chủ nghĩa tự do phương Tây.

Ở Mỹ, điều đó đã dẫn đến sự nổi lên của Donald Trump. Trong khi ở Anh là phong trào Brexit. Bên cạnh đó là những biến động chính trị xuất phát từ các cuộc nổi dậy từ khắp Ấn Độ tới Brazil và từ Philippines cho đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Có rất nhiều lời giải thích đầy tranh cãi cho điều gì đã gây ra cơn thịnh nộ ở các quốc gia mà, qua đánh giá bằng các thước đo truyền thống, chưa bao giờ giàu có hơn bây giờ. Mặc dù vậy, đây là một điều bình thường. Người ta không nhìn thấy được thực tế cuộc sống của họ được phản ánh trong bức tranh chính thức, bức tranh chủ yếu được tô vẽ bởi các nhà kinh tế.

Một số lực lượng nổi dậy trong những cuộc bạo động ngược này xuất phát từ vấn đề bản sắc, một loại cảm giác vô vọng, không có khả năng mua nhà ở, thiếu cộng đồng và giận giữ đối với hệ thống chính trị tiền bạc và sự gia tăng bất bình đẳng xã hội. Một số thì xuất phát từ thực tế rằng định nghĩa về tăng trưởng và kinh tế của chúng ta không còn phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân.

Cuốn sách Ảo tưởng về Tăng trưởng nhằm mục đích chỉ ra khoảng cách giữa những gì các chuyên gia nói về cuộc sống của chúng ta và những gì mà chúng ta thực sự cảm nhận trong cuộc sống.

Mặc dù hầu hết mọi người đều nghe nói đến GDP, rất ít người biết rằng nó chỉ vừa mới được nhắc đến từ những năm 1930 như là một công cụ để đối phó với cuộc Đại suy thoái và sau đó được dùng lại như là công cụ để chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới 2.

Điều đầu tiên cần hiểu là nền kinh tế không phải là một hiện tượng tự nhiên, hay một sự thật được khám phá. Trước năm 1930 nó hoàn toàn không hề tồn tại. Nó là một thứ do con người nghĩ ra, như kẹo bông (cotton candy) hay bảo hiểm ô tô hoặc như nguyên tắc bút toán kép.

Nếu GDP là một con người, thì nó rất thờ ơ, thậm chí là mù quáng về đạo đức. Nó đo lường sản lượng của bất kỳ cái gì, dù tốt hay xấu. Trên thực tế, GDP thích sự ô nhiễm, cụ thể là khi bạn phải tiêu tiền để làm sạch nó. Nó cũng thích tội phạm bởi vì nó muốn chi tiền cho lực lượng cảnh sát khổng lồ và sửa chữa những cửa sổ bị đập vỡ. GDP thích bão Katrina và không hề ghét các cuộc chiến tranh. Nó thích đo lường xung đột tích lũy qua súng đạn và máy bay, sau đó nó thích tính cộng tất cả khối lượng công việc cần thiết để tái thiết các thành phố đổ nát từ đống hoang tàn.

GDP rất giỏi tính toán, nhưng không giỏi trong việc đánh giá chất lượng. Nó có lối hành xử trên bàn ăn thật kinh khủng. Đối với GDP, một bữa tối với ba cái nĩa cũng không khác gì một con dao, một cái dĩa và một cái thìa. Thứ hai, GDP rất vụ lợi. Nó không đếm xỉa đến các giao dịch mà không có tiền trao tay. Nó không thích việc nhà và nó lờ đi tất cả các hoạt động tình nguyện.

Ở các nước nghèo nó gặp khó khăn để có thể biết hết tất cả những nỗ lực của con người, hàng loạt thứ diễn ra bên ngoài nền kinh tế tiền tệ. Nó có thể đếm một chai nước Evian trong siêu thị nhưng không thể đo lường được mức độ ảnh hưởng kinh tế của một cô gái ở Ethiopia, người đã phải đi xa hàng dặm để lấy nước từ một cái giếng.

Suy cho cùng, tăng trưởng là một đứa con của thời đại sản xuất và GDP ban đầu được thiết kế để đo lường hoạt động sản xuất vật chất.

Nó rất khó có thể cảm nhận được nền kinh tế dịch vụ hiện đại, đó là một sự khiếm khuyết ở nơi các nước giàu, vốn là chỗ mà các dịch vụ như bảo hiểm và làm vườn khá phổ biến. Nó không tệ trong việc tính toán hoạt động sản xuất gạch, thép và xe đạp – “ những thứ mà bạn có thể dẫm dưới chân”. Nhưng khi cố gắng tính toán đến các khóa học phân tích tâm lý, dịch vụ cắt tóc hoặc tải nhạc thì nó trở nên mờ nhạt một cách rõ rệt.

Nó không giỏi đo lường tiến độ, thứ mà chúng ta cứ tưởng rằng nó rất giỏi. Theo tiêu chuẩn đo lường tăng trưởng của chúng ta, ngày nay một liều thuốc kháng sinh đáng giá vài xu, dù cho một tỷ phú mắc bệnh giang mai ở thế kỷ trước sẵn sàng dành phân nửa số tài sản của mình cho một liệu trình điều trị 7 ngày.

Tóm lại, định nghĩa của chúng ta về nền kinh tế khá thô thiển. Như ai đó đã nói một cách hài hước rằng: ‘Nếu bạn bị kẹt xe một giờ, thì việc đó sẽ đóng góp cho GDP. Nếu bạn đi ra ngoài đến chơi nhà bạn bè và giúp đỡ họ thì không tính. Đó chính là “tất cả những gì mà bạn cần biết” về GDP’.

Trích từ cuốn “Ảo Tưởng Tăng Trưởng” (The Growth Delusion) của tác giả David Pilling,
Liên Hương biên dịch

(Còn tiếp…)