Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ giảm 1% lãi suất điều hành (tái chiết khấu, cho vay qua đêm,…) từ hôm nay (15/3). Bên cạnh đó, cơ quan này dự kiến quy định giảm tỷ lệ sở hữu để hạn chế tình trạng lạm quyền cấp tín dụng cho nhóm cổ đông “sân sau” của ngân hàng thương mại.

ngan hang nha nuoc
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM (Ảnh minh họa: Saigoneer/Shutterstock)

Theo đó, Quyết định số 313 quy định về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Trước tình trạng sở hữu chéo và lạm quyền cấp tín dụng cho nhóm cổ đông “sân sau”, Ngân hàng Nhà nước dự kiến siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng thương mại, theo báo Vnexpress.

Theo đó, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có nhà băng.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với quy định hiện hành là 25%.

Bên cạnh đó, một cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng (quy định hiện nay là 5%).

Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Những quy định theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu như trên khiến giới ngân hàng lo lắng và cho rằng có thể làm giảm động lực phát triển của họ.

Đức Minh