Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tiếp tục bơm tiền qua thị trường mở hơn 8.700 tỷ đồng trong ngày 8/11. Tuy vậy, cuộc đua lãi suất tiền gửi bên ngoài thị trường vẫn còn khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất không kỳ hạn đụng trần 1%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên phổ biến trên 8%/năm. Ngoài ra, vài ngày gần đây, người dân một số nơi đến ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đòi tiền, tố ngân hàng lừa đảo khi tư vấn mua trái phiếu doanh nghiệp An Đông.

ngan hang scb nha trang ngan hang scb bi to lua dao nguoi dan den scb doi tien
Từ đầu tháng 10/2022, ngân hàng SCB vướng nhiều thông tin tiêu cực, dẫn đến việc người dân đổ xô đến rút tiền. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Theo ghi nhận, tính từ đầu tháng 11/2022 đến ngày 8/11, NHNN đã bơm ròng hơn 50.200 tỷ đồng qua kênh thị trường mở. Điều này được cho là làm giảm căng thẳng thanh khoản và hạ nhiệt lãi suất liên ngân hàng. Cụ thể, ở kỳ hạn qua đêm giảm 0,56%, xuống còn 5,52%/năm; 1 tuần giảm 0,4%, xuống còn 6,52%/năm; 2 tuần giảm 0,12%, còn 7,15%/năm.

Tuy nhiên, ở những kỳ hạn dài trên 1 tháng, lãi suất tăng từ 0,02 – 0,17%. Theo đó, lãi suất 1 tháng lên 7,78%/năm, 2 tháng lên 8,02%/năm, 3 tháng lên 8,08%/năm, 6 tháng lên 8,2%/năm, 9 tháng lên 8,33%/năm và 12 tháng lên 8,55%/năm.

Trên thị trường, mức lãi suất vượt 10%/năm đã không còn xuất hiện công khai nhưng cuộc đua giữ chân khách hàng bằng lãi suất của khối ngân hàng thương mại được cho là đang tiếp diễn.

Ngày 7/11, VPBank công bố tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi trên tài khoản thanh toán – Casa) áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức trần là 1%/năm, áp dụng từ ngày 1/11/2022.

Ngân hàng Techcombank thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,03%/năm lên 1%/năm, không giới hạn số tiền tối thiểu.

Bên cạnh đó, trong ngày 8/11, nhiều ngân hàng khác niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức trần như: SCB, NCB, SeABank, Kienlongbank, SHB, ACB,…

Mức lãi suất tiết kiệm mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 – 3 tháng được nâng lên trong khoảng 3,8 – 6%/năm, kỳ hạn 6 – 9 tháng nằm trong khoảng 6 – 8%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 6,6 – 8,8%/năm.

Ở nhóm các ngân hàng quốc doanh gồm: Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã thay đổi biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ cuối tháng 10 với các mức lãi suất gần tương đồng nhau. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 – 2 tháng được tăng lên mức 4,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng tăng lên 5,4%/năm; kỳ hạn 6 – 11 tháng lên 6%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng lên mức 7,4%/năm.

Từ đầu tháng 10/2022, khi nhiều thông tin tiêu cực xuất hiện liên quan đến ngân hàng SCB, công ty chứng khoán Tân Việt cùng vụ bắt bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã gây rúng động trên thị trường. Nhiều người dân đã đến rút tiền khỏi ngân hàng SCB vì lo ngại sự bất ổn.

Người gửi tiền tố ngân hàng SCB lừa đảo khi tư vấn mua trái phiếu doanh nghiệp

Vài ngày gần đây, trên diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều video người dân đến ngân hàng SCB (ở TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang,…) đòi tiền vì cho rằng đã bị nhân viên ngân hàng tư vấn thông tin sai lệch, dẫn đến việc mua trái phiếu doanh nghiệp (Công ty An Đông, thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Đến nay, số tiền gốc và lãi trái phiếu có khả năng sẽ bị mất nếu tình hình kinh doanh của Công ty An Đông bất ổn trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, bị siết dòng vốn tín dụng.

bieu tinh SCB ngan hang SCB nguoi mua trai phieu doi tien SCB
Video cho thấy hàng chục người mua trái phiếu tố ngân hàng SCB lừa đảo tại TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang. (Ảnh chụp màn hình/RFA tiếng Việt)

Ngày 7/11, ngân hàng SCB đã tổ chức buổi đối thoại với người dân mua trái phiếu Công ty An Đông. Theo đó, hàng chục người tại cuộc họp bức xúc khi nhân viên ngân hàng đã mượn uy tín của ngân hàng để chào mời họ mua trái phiếu một cách sai lệch và thiếu trung thực.

Điểm chung là nhiều người mua trái phiếu trong bối cảnh sau khi vừa tất toán sổ tiết kiệm, được giao dịch viên tư vấn chuyển qua loại sản phẩm mới, báo Vnexpress đưa tin.

Một số khách hàng lớn tuổi của SCB cho biết nhân viên nhà băng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ, mời chào chuyển sang sản phẩm “Tiết kiệm linh hoạt rút gốc 31 ngày dưới dạng trái phiếu”.

Thậm chí, nhân viên còn tư vấn đây là sản phẩm ưu đãi dành cho khách hàng lâu năm, có rủi ro rất thấp vì doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái với ngân hàng.

Nghe theo lời nhân viên, nhiều người lớn tuổi đã chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm tuổi già chuyển qua “loại sản phẩm mới” này.

Sau khi đồng ý, nhiều khách hàng ký vào tờ uỷ nhiệm và ra về. Họ không hề được tiếp cận tới bất kỳ tài liệu nào liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, cho tới gần chục ngày sau mới nhận được hợp đồng đầy đủ.

Theo nhiều người dân tại cuộc họp với lãnh đạo SCB, ngân hàng này đã giữ bản hợp đồng này hơn chục ngày mới trả nên khách hàng hoàn toàn không có cơ hội đọc kỹ cũng như huỷ hợp đồng trong 3 ngày từ lúc chuyển tiền mua theo quy định.

Được biết, Công ty An Đông là thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tính trong 2 năm (2018 và 2019) đã huy động trái phiếu từ nhà đầu tư lên tới 25.000 tỷ đồng, gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu của công ty này là khoảng 9.000 tỷ đồng. Vừa qua, bà Trương Mỹ Lan vừa bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng tại Công ty An Đông thông qua việc phát hành trái phiếu.

Đức Minh