Venezuela đã thay đổi đồng tiền của mình vào thứ Sáu (1/10) bằng cách bỏ bớt 6 số 0 trên tờ tiền, trong bối cảnh lạm phát tăng vọt và giá đôla Mỹ trên thị trường chợ đen cũng đang tăng cao.

Embed from Getty Images

Giá đôla trên thị trường chợ đen đã tăng hơn 500.000 bolivar lên 5.200.000 đổi 1 đôla so với mệnh giá trước đó. Hiện theo đồng tiền mới, 1 đô la sẽ chỉ còn tương đương 5,2 bolivar. Tỷ giá hối đoái chính thức là 4.181.781,84 bolivar, nhưng hầu hết các doanh nghiệp sử dụng giá đôla trên thị trường chợ đen để tham khảo khi đặt giá.

Trước khi có sự thay đổi về tỷ giá hối đoái, mệnh giá cao nhất là tờ 1 triệu bolivar, chỉ tương đương khoảng 0,2 đô la. Hiện tại, theo tỷ giá mới, tờ tiền có mệnh giá cao nhất là 100 bolivar, tương đương khoảng 20 đô la. 

Thay đổi đến chữ số hàng triệu đối với đồng bolivar được cho là nhằm mục đích giúp giảm bớt các giao dịch tiền mặt và tính toán sổ sách kế toán, vốn hiện có quá nhiều số 0. 

Jose Guerra, giáo sư kinh tế tại Đại học Trung tâm Venezuela, cho biết: “Lý do cơ bản và quan trọng nhất là các hệ thống thanh toán đã sụp đổ vì số lượng chữ số [quá nhiều] khiến hệ thống thanh toán và thực hiện phép toán không thể quản lý được”, theo AP. 

Theo hệ thống cũ, một chai soda hai lít có thể trị giá hơn 8 triệu bolivar, vì vậy khách hàng thường phải trả bằng 1 xấp giấy [tiền mặt] dày.

Trong khi đó, các ngân hàng chỉ cho phép khách hàng rút tối đa 20 triệu bolivar tiền mặt mỗi ngày, hoặc đôi khi ít hơn nếu chi nhánh thiếu tiền.

Vì vậy, người tiêu dùng thường phải dựa vào đôla Mỹ và các phương thức thanh toán kỹ thuật số, chẳng hạn như Zelle và PayPal, để mua hàng. Ngày nay, hầu hết các giao dịch được thực hiện điện tử và hơn 60% được thực hiện bằng đôla Mỹ, theo ông Guerra.

Khi Ngân hàng Trung ương Venezuela thông báo về việc thay đổi tiền tệ vào tháng trước, các quan chức cho biết các hệ thống thanh toán sẽ được hiện đại hóa để mở rộng việc sử dụng đồng bolivar qua các giao dịch kỹ thuật số.

Họ cũng nhấn mạnh rằng, việc loại bỏ 6 số 0 không ảnh hưởng đến giá trị của tiền tệ. Đồng bolivar “sẽ không có giá trị nhiều hơn hoặc ít hơn; nó chỉ để tạo điều kiện sử dụng nó trên quy mô tiền tệ đơn giản hơn”, theo Ngân hàng Trung ương.

Nhưng chênh lệch tỷ giá hối đoái vẫn khiến người dân lo ngại rằng giá cả sẽ tăng lên khi việc thay đổi tiền tệ xảy ra.

Đây là lần thứ ba các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa của Venezuela loại bỏ số 0 trên tiền tệ. Đồng bolivar đã mất 3 số 0 vào năm 2008 dưới thời cố Tổng thống Hugo Chávez, trong khi người kế nhiệm của ông, Tổng thống hiện tại Nicolás Maduro, đã loại bỏ 5 số 0 vào năm 2018.

Sau hơn 4 năm siêu lạm phát, nhiều người Venezuela nghĩ rằng các tờ tiền mới cũng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. 

Ngân hàng trung ương Venezuela đã không công bố số liệu thống kê lạm phát nữa, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng tỷ lệ lạm phát của Venezuela vào cuối năm 2021 sẽ là 5.500%.

Elena Díaz, một nhân viên dọn vệ sinh 28 tuổi đang đứng bên ngoài một siêu thị cho biết: “Tôi chỉ có 3 triệu bolivar trong tài khoản của mình, với chừng đó không thể mua một miếng bánh mì nào. Khi họ bỏ đi 6 số 0, với 3 bolivar đó, tôi cũng sẽ không mua được gì.”

Việc sử dụng đồng đôla đã gia tăng nhanh chóng sau khi chính phủ của ông Maduro hai năm trước từ bỏ các nỗ lực để hạn chế các giao dịch bằng đôla.

Các tờ đôla chảy vào Venezuela thông qua một mạng lưới những người có tài khoản ngân hàng nước ngoài, hoặc thông qua những người mang tiền mặt về nước.

Trước khi có sự thay đổi tiền tệ, một số cửa hàng đã bắt đầu hiển thị ba mức giá cho mỗi sản phẩm, bằng đôla Mỹ, bằng đồng bolivar mới và cũ. Đến sáng thứ Sáu, một số cửa hàng chỉ còn giá bằng đôla.

Các ngân hàng đã phải đóng băng hoạt động trong vài giờ từ thứ Năm đến thứ Sáu để điều chỉnh thay đổi. Tại thủ đô Caracas, nhiều chi nhánh đã không mở cửa vào thứ Sáu, nhưng theo Giám đốc các tổ chức của ngành Ngân hàng, giao dịch điện tử đã hoạt động ở hầu hết các ngân hàng.

Ông Guerra cho biết việc đổi tiền trong tương lai có thể sẽ tiếp tục xảy ra trừ khi chính sách của chính phủ thay đổi.

“Về cơ bản, nếu không có chương trình kinh tế để ngăn chặn siêu lạm phát, điều này sẽ lại xảy ra …”, ông Guerra nói. “Vấn đề là, siêu lạm phát quá mạnh.”

Lê Xuân (theo AP)

Xem thêm: