Trong 6 phiên giao dịch vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam bơm ra thêm khoảng 60.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng vay nhằm cải thiện thanh khoản. Các ngân hàng đang có động thái nâng lãi suất tiền gửi tiến sát ngưỡng 8%, có ngân hàng vượt qua mức này để hút vốn từ người dân.

ngân hàng nhà nước dua lãi suất ngân hàng tăng lãi suất
Trước bất ổn khi người dân đổ xô đi rút tiền tại một số ngân hàng, NHNN đã bơm hàng chục nghìn tỷ đồng để giảm căng thẳng về thanh khoản. (Ảnh: sbv.gov.vn)

Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 10/10, NHNN đã bơm thêm ra gần 21.700 tỷ đồng (phiên bơm tiền mạnh nhất từ đầu tháng 10) với kỳ hạn 14 và 24 ngày, lãi suất tương ứng 5,5% và 5%.

Cụ thể, có tổng cộng có 15 đơn vị tham gia vay gần 15.000 tỷ đồng từ NHNN với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 5,5%/năm. Bên cạnh đó, 11 tổ chức tín dụng vay 6.680 tỷ đồng với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 5%/năm.

Tính trong 6 phiên gần nhất, NHNN bơm khoảng 60.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng nhằm cải thiện thanh khoản, trong khi không hút về đồng nào trong khoảng thời gian trên.

Như vậy, trái với xu hướng hút ròng cả trăm nghìn tỷ đồng trong nửa cuối tháng 9/2022, mạnh nhất là gần 25.000 tỷ đồng hôm 21/9. NHNN đã đẩy tiền ra nền kinh tế nhằm đáp ứng thanh khoản trong ngắn hạn của hệ thống ngân hàng.

Trước đó, NHNN đã nâng lãi suất điều hành thêm khoảng 100 điểm cơ bản từ hôm 23/9, với lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 3,5% và tái cấp vốn từ 4% lên 5%/năm.

Từ ngày 1/10, theo quy định mới, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng được điều chỉnh từ 37% xuống còn 34%. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng cần thêm tiền để đảm bảo yêu cầu mới.

Gần đây lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tăng nhanh, đa số lên trên ngưỡng 7%/năm và tại một số tổ chức tín dụng đã lên ngưỡng 8% – 9%/năm cho các kỳ hạn dài, chứng chỉ tiền gửi.

Ngân hàng Sacombank niêm yết lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng với hình thức mở tiết kiệm trực tuyến. Tương tự, ngân hàng VPBank niêm yết lãi suất 7,5%/năm với kỳ hạn 36 tháng và số tiền dưới 300 triệu đồng; với số tiền từ 3-10 tỷ đồng lãi suất sẽ chạm mốc 8%/năm.

Với khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trong chương trình ưu đãi, ngân hàng ABBank đưa ra mức lãi suất là 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm. Không chỉ là mức lãi cao nhất tại ABBank, đây còn là mốc lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay, trang Zing đưa tin.

Đối với ngân hàng SCB, với các khoản tiền gửi online, mức lãi suất cao nhất ngân hàng này đưa ra cho khách hàng cá nhân là 8,9%/năm với kỳ hạn 36 tháng. Với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất khách hàng tại đây có thể nhận được là 8,55%/năm, cao nhất hệ thống ngân hàng nếu xét tại kỳ hạn gửi 12 tháng.

Ở các kỳ hạn ngắn hạn, mức lãi suất SCB đưa ra thuộc nhóm cao nhất thị trường với 8,25%/năm khi gửi 9 tháng; 7,95%/năm khi gửi 6 tháng và 5%/năm khi gửi 1-5 tháng.

Đức Minh